Skip to content
Điều hành tỷ giá năm 2016 (số 1-2/2017)
| Cỡ chữ: A-A+ | Tương phản |

Điều hành tỷ giá năm 2016

Nguyễn Đức Long1

 

Có thể nói năm 2016 là năm tương đối “bình yên” đối với thị trường ngoại tệ Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự gia tăng các yếu tố bất định từ các sự kiện địa chính trị xảy ra bất ngờ như việc Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit), kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như việc Thủ tướng Ý tuyên bố từ chức sau trưng cầu dân ý thất bại, thêm vào đó là kỳ vọng Fed tăng lãi suất thúc đẩy luồng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, tỷ giá các đồng tiền liên tục biến động. Mặc dù vậy, thị trường ngoại tệ trong nước khá ổn định, tổng thể đến cuối năm, tỷ giá chỉ tăng trên 1%, thấp hơn mức mất giá của nhiều đồng tiền trong khu vực. Đặc biệt, ngay cả trong những giai đoạn tỷ giá diễn biến tăng, cũng không có hiện tượng căng thẳng do hoạt động găm giữ, đầu cơ ngoại tệ như trước đây. Thị trường có được biến chuyển tích cực như vậy, bên cạnh các giải pháp điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), không thể không kể tới sự đóng góp của một yếu tố mới, đó là “tỷ giá trung tâm”.

 

Tỷ giá trung tâm

Ngay từ cuối năm 2015, với những trải nghiệm sau một năm đầy sóng gió của tỷ giá trước những biến động bất thường trên thị trường quốc tế, NHNN đã nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành để hoàn thiện cách thức điều hành tỷ giá mới theo tỷ giá trung tâm. Với cách thức mới này, NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây, khác biệt cơ bản ở chỗ, tỷ giá trung tâm tham chiếu diễn biến tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng trong nước và tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế; do vậy, thay đổi linh hoạt hàng ngày theo diễn biến thị trường, trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng chỉ được điều chỉnh vào một số thời điểm trong năm. Mục tiêu hướng tới là một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn, giúp thị trường ngoại tệ thích ứng tốt hơn trước các biến động bất lợi từ các cú sốc bên ngoài, làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ do tỷ giá có thể biến động theo cả hai chiều tăng/giảm, chứ không chỉ biến động theo một chiều tăng như trước đây.

Mục tiêu này có thể coi là đã đạt được nếu nhìn từ diễn biến tích cực của thị trường một năm vừa qua. Những giai đoạn thị trường quốc tế biến động mạnh, như việc đồng EUR sụt giảm tới hơn 3% trong 2 ngày sau sự kiện Brexit ngày 23/6, hay sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, đồng USD đã bất ngờ tăng giá mạnh ngược với mọi dự báo trước đó với mức tăng trên 5% trong vòng 2 tháng từ 9/11 đến nay, thì tỷ giá USD/VND mặc dù tăng theo xu hướng thị trường quốc tế nhưng mức tăng không lớn và nhanh chóng ổn định trở lại nhờ tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ được hạn chế với cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt, phản ánh sát hơn diễn biến cung - cầu thực tế. Tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm thể hiện rõ nét qua số dư huy động ngoại tệ của khu vực dân cư liên tục giảm từ đầu năm ngay cả trong những giai đoạn tỷ giá tăng, qua đó, bổ sung nguồn cung lớn cho thị trường, đóng góp vào lượng ngoại tệ lớn NHNN mua được bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia trong 10 tháng đầu năm cũng như hỗ trợ bù đắp nhu cầu ngoại tệ tăng vào giai đoạn cuối năm.

 

Điều hành tỷ giá 10 tháng đầu năm

Trong những tháng đầu năm, bên cạnh hiệu quả của cách thức điều hành theo tỷ giá trung tâm thì điều kiện thị trường trong và ngoài nước cũng có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Cán cân thương mại 9 tháng đầu năm 2016 thặng dư 3,72 tỷ USD, ngược với xu hướng nhập siêu cùng kỳ năm 2015 trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân ở mức cao, chuyển tiền kiều hối và đầu tư gián tiếp tiếp tục vào Việt Nam. Trên thị trường quốc tế, mặc dù có một số thời điểm biến động mạnh như sau sự kiện Brexit, tuy nhiên, về tổng thể, đồng USD diễn biến theo chiều hướng giảm giá.

Với nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thanh toán và lượng lớn ngoại tệ găm giữ trong nội tại nền kinh tế được giải phóng và bán cho hệ thống các TCTD, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết của các NHTM đều có diễn biến giảm khá nhanh và ổn định trên mặt bằng mới thấp xa so với cuối năm 2015. Trong bối cảnh đó, NHNN mua ngoại tệ ở mức giá 1USD = 22.300 đồng để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời ngăn tỷ giá giảm sâu gây bất lợi cho xuất khẩu. Nghiệp vụ thị trường mở cũng được điều hành linh hoạt, NHNN chủ động tăng lãi suất và khối lượng phát hành tín phiếu trên thị trường liên ngân hàng để thu tiền đồng về, hỗ trợ ổn định tỷ giá khi tỷ giá trên thị trường tăng chủ yếu do tâm lý, như trong giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 và sau sự kiện Brexit. Nhờ đó, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường nhìn chung ổn định trên mặt bằng mới thấp hơn khoảng 200 đồng so với tỷ giá cuối năm 2015, tỷ giá trung tâm đến cuối tháng 10 chỉ tăng 0,68% so với cuối năm 2015; thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua được lượng lớn ngoại tệ từ khách hàng, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ đưa quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao kỷ lục.

 

Điều hành tỷ giá trong 2 tháng cuối năm

Sau 10 tháng tương đối ổn định, thị trường ngoại tệ trong 2 tháng cuối năm chịu áp lực bởi nhiều yếu tố đan xen nhưng chủ yếu vẫn do tác động từ biến động trên thị trường quốc tế. Trên thị trường trong nước, tình hình cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi hơn so với các tháng đầu năm theo quy luật mùa vụ. Cán cân thương mại sau khi thặng dư trong 9 tháng đầu năm thì từ tháng 10, đã chuyển sang nhập siêu phản ánh nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, việc xuất hiện tin đồn không căn cứ về việc NHNN sắp đổi tiền khiến một bộ phận người dân đổ đi mua đô la Mỹ và vàng khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh, tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường.

Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, đồng USD có xu hướng tăng giá từ đầu tháng 10 do kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tháng 12, đặc biệt, USD tăng giá mạnh sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với kế hoạch tăng chi tiêu ngân sách và thu hút đầu tư về Mỹ để kích thích kinh tế trong nước, khiến lạm phát của Mỹ có thể tăng nhanh trong thời gian tới và thúc đẩy Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn nữa. Chỉ trong 2 tuần sau kết quả bầu cử tại Mỹ được công bố ngày 9/11, đồng USD tăng giá tới 3,7% kéo theo sự sụt giảm của hàng loạt đồng tiền các nước mới nổi. Đà tăng giá của đồng USD còn tiếp diễn sau khi Fed quyết định tăng lãi suất mục tiêu thêm 25 điểm phần trăm và phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 thay cho 2 lần trong cuộc họp tháng 11.

Trước tình hình trên, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, đồng thời, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2016. Công tác truyền thông được thực hiện rộng rãi, kịp thời đưa thông tin về tình hình thị trường và khả năng sẵn sàng can thiệp của NHNN, bác bỏ tin đồn không căn cứ cũng như cảnh báo rủi ro đối với hoạt động đầu cơ tỷ giá để người dân và doanh nghiệp nắm được tình hình. Đi cùng với truyền thông là các hành động chính sách cụ thể khẳng định cam kết đã đưa ra như việc NHNN niêm yết tỷ giá bán và bán ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD với tỷ giá thấp hơn tỷ giá trần, qua đó giúp củng cố lòng tin của thị trường vào điều hành của NHNN. Các công cụ chính sách tiền tệ cũng được phối hợp đồng bộ, kịp thời nhằm giảm bớt áp lực trên thị trường ngoại tệ như mở rộng kỳ hạn phát hành tín phiếu NHNN và nâng nhẹ lãi suất phát hành để thu tiền đồng về, giảm động lực đầu cơ ngoại tệ ngắn hạn trên thị trường trong khi vẫn tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường 1. Bên cạnh đó, NHNN kịp thời ban hành Thông tư 31/2016/TT-NHNN ngày 15/11/2016 về cho vay bằng ngoại tệ, trong đó cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017 cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỷ giá ở mức phù hợp.

Nhờ các giải pháp điều hành đồng bộ của NHNN, mặc dù tỷ giá USD/VND tăng theo xu hướng thế giới nhưng mức biến động không lớn so với các đồng tiền trong khu vực và vẫn thấp hơn tỷ giá trần cho phép 50 đồng. Đến cuối năm 2016, cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá thị trường chỉ tăng 1,2% so với cuối năm 2015. Điểm quan trọng là mặc dù tỷ giá tăng nhưng thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch trên thị trường diễn ra bình thường, không có tình trạng căng thẳng như tại một số thời điểm ở các năm trước nhờ hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ đã được hạn chế. Như vậy, một năm thử nghiệm với cơ chế tỷ giá trung tâm đã qua đi với những chuyển biến tích cực trong tâm lý cũng như hành vi của các chủ thể trên thị trường để tỷ giá bước đầu đi theo quỹ đạo thị trường, phản ánh đúng hơn cung - cầu ngoại tệ thực tế của nền kinh tế.

*1 Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

15770 lượt xem
“Lửa” thử tỷ giá hối đoái năm 2016 (số 1-2/2017)
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hướng tới phát triển bền vững 9soos 1-2/2017)
Chính sách tiền tệ năm 2016 và triển vọng năm 2017 (số 1-2/2017)
Tín dụng ngân hàng góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2016 9soos 1-2/2017)
Dân trí về tài chính với phát triển hệ thống ngân hàng bền vững – một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam 9soos 1-2/2017)
Kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 và trọng tâm điều hành năm 2017 (số 1-2/2017)
Sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam sau khi ra đời Thông tư 36 (số 1-2/2017)
PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ - NGÂN HÀNG TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ GIẢI PHÁP ĐẾN NĂM 2020 (số 1-2/2017)
© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306