Trong thời kì lạm phát gia tăng, nhiều hộ gia đình tìm cách tiết kiệm bằng cách chuyển sang các thương hiệu giá rẻ, săn khuyến mãi hoặc mua sắm tại siêu thị giá thấp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy những biện pháp tưởng chừng hợp lý này lại không giúp tiết kiệm như kỳ vọng. Ngược lại, hiện tượng “lạm phát hàng giá rẻ” (cheapflation) - khi các mặt hàng giá rẻ tăng giá nhanh hơn hàng đắt tiền - đang khiến người thu nhập thấp chịu thiệt hại nhiều hơn trong thời kỳ bão giá.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Lạm phát hàng rẻ là sự tăng giá nhanh hơn của các thương hiệu rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự đắt tiền hơn. Trong thời kỳ lạm phát gia tăng, khi người tiêu dùng chuyển sang hàng hóa rẻ hơn để tiết kiệm tiền, lạm phát hàng rẻ hoàn toàn có thể bù đắp những khoản tiết kiệm này.
Tìm siêu thị rẻ hơn, mua sản phẩm giảm giá, chuyển sang sản phẩm từ các nhà sản xuất ít tên tuổi hơn trong giai đoạn 2022 - 2023, khi lạm phát toàn cầu phá kỷ lục nhiều năm, những mẹo về cách tiết kiệm tiền đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông ở nhiều quốc gia. Theo khảo sát của PwC tại 25 quốc gia vào năm 2022, 96% cho biết họ có ý định tiết kiệm khi mua hàng hằng ngày (PwC, 2023). Giá càng tăng, các siêu thị giá rẻ càng nhận được nhiều khách hàng mới và mọi người càng theo dõi doanh số bán hàng chặt chẽ hơn, nhanh chóng mất lòng trung thành với các thương hiệu quen thuộc để chuyển sang sử dụng các sản phẩm tương tự rẻ hơn.
Gánh nặng lạm phát mà người tiêu dùng gánh chịu được xác định bởi tốc độ tăng giá hàng hóa trong giỏ hàng tiêu dùng cá nhân của họ. Khi lạm phát luôn ở mức thấp, giá của những hàng hóa cùng loại nhưng thuộc các thương hiệu khác nhau thường thay đổi gần như nhau. Nhưng khi lạm phát gia tăng, trước tiên, các công ty bắt đầu điều chỉnh giá thường xuyên hơn, thứ hai, mức độ lan rộng của lạm phát giá cả sẽ tăng lên, bao gồm cả giá của các thương hiệu khác nhau của cùng một sản phẩm. Kết quả là lạm phát đối với một số hộ gia đình cao hơn đáng kể so với những hộ gia đình khác.
Trong thời kỳ lạm phát gia tăng sau đại dịch, giáo sư Alberto Cavallo của Trường Kinh doanh Harvard và nhà kinh tế Alexei Krivtsov của Ngân hàng Canada phát hiện rằng, giá của các thương hiệu rẻ hơn đã tăng nhanh hơn từ 1,3 đến 1,9 lần so với giá của các thương hiệu đắt tiền hơn (Cavallo & Krivtsov, 2024). Họ đã phân tích biến động giá từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 5 năm 2024 đối với khoảng một trăm nhà bán lẻ lớn ở 10 quốc gia và tìm thấy bức tranh tương tự ở mỗi quốc gia.
Hiện tượng giá hàng hóa rẻ tăng nhanh hơn được gọi là lạm phát hàng rẻ giá, xuất phát từ rẻ - “cheap” và lạm phát - “Inflation”. Nó thể hiện trong thời kỳ lạm phát tăng nhanh - các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận điều này trước hoặc sau khi lạm phát gia tăng.
Do hiện tượng lạm phát hàng giá rẻ, gánh nặng lạm phát lớn nhất lại rơi vào các hộ gia đình có thu nhập thấp - những người vốn dĩ đã mua các thương hiệu hàng giá rẻ.
Còn đối với những người, trong thời kỳ giá cả tăng vọt, chuyển từ thương hiệu đắt tiền sang rẻ tiền để tiết kiệm, thì lạm phát hàng rẻ làm mất đi lợi ích của sự tiết kiệm đó, theo tính toán của Cavallo và Krivtsov.
Mặc dù phần lớn lạm phát mà các hộ gia đình phải đối mặt là do sự tăng giá chung của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, nhưng trong thời kỳ lạm phát tăng tốc, gánh nặng lạm phát cuối cùng còn phụ thuộc một phần vào khả năng và điều kiện của mỗi hộ gia đình trong việc điều chỉnh lại chi tiêu cho các loại sản phẩm mà họ tiêu dùng cá nhân. Ví dụ: nếu thương hiệu sữa yêu thích của bà nội trợ Mel tăng giá, bà ấy có thể đợi cho đến khi nó giảm giá hoặc tìm kiếm nó ở mức giá thấp hơn ở một cửa hàng khác, theo phân tích của Cavallo và Krivtsov. Tuy nhiên, chiến thuật này đòi hỏi chi phí tìm kiếm và thời gian chờ đợi. Nếu Mel không muốn mất công như vậy, bà có thể chọn mua một thương hiệu sữa rẻ hơn ở cửa hàng quen thuộc. Các tác giả đã tính toán tác động của cả ba chiến lược này.
Kết quả cho thấy, số lượng và mức giảm giá trong các chương trình khuyến mãi đều giảm trong thời kỳ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, lạm phát của giá khuyến mãi (giá bán hàng hóa dịch vụ trong chương trình giảm giá) thấp hơn so với mức tăng giá trung bình của các mặt hàng thực phẩm, giúp người tiêu dùng tiết kiệm nếu họ tận dụng các đợt giảm giá. Lạm phát của các thương hiệu rẻ nhất nhìn chung đều cao hơn so với các thương hiệu đắt tiền hơn.
Giảm giá và khuyến mãi
Vào năm 2019, mức giảm giá trung bình tại 10 quốc gia trong mẫu nghiên cứu dao động từ 18% đến 35% so với giá bán lẻ. Các đợt khuyến mãi và giảm giá diễn ra thường xuyên nhất ở Mỹ và Vương quốc Anh - thông tin về giảm giá xuất hiện từ 1 - 2 lần trên mỗi 10 lần quan sát giá. Ngược lại, ở Nam Mỹ, trước khi xảy ra làn sóng lạm phát tăng mạnh, các chương trình khuyến mãi diễn ra hiếm hơn nhiều, chỉ khoảng 0,08 lần trên mỗi 10 lần quan sát giá.
Trước khi lạm phát tăng mạnh, tại các quốc gia có tần suất khuyến mãi cao - như Mỹ, Anh, Canada và Ý - các đợt giảm giá chiếm khoảng một nửa sự thay đổi giá theo quý của thực phẩm, qua đó, giúp kiềm chế lạm phát đáng kể.
Trong khi đó, ở các quốc gia khác trong mẫu nghiên cứu, nơi việc giảm giá ít phổ biến hơn, tác động của khuyến mãi đến biến động giá cả trước đại dịch thấp hơn nhiều, chỉ ở mức 3 - 5%.
Tuy nhiên, sau năm 2020, vai trò của giá khuyến mãi đối với biến động giá thực phẩm đã giảm mạnh ở tất cả các quốc gia trong mẫu.
Tại Mỹ, Anh, Canada và Ý, giảm giá chỉ còn giải thích được khoảng 10% biến động giá bán lẻ thực phẩm và đồ uống, tức giảm đi 5 lần so với trước kia.
Ở các nước còn lại, tác động của khuyến mãi giảm một nửa, còn khoảng 2%. Nguyên nhân chính, theo Cavallo và Krivtsov, là do sự sụt giảm mạnh về số lượng chương trình giảm giá và khuyến mãi. Ví dụ, ở Mỹ, Anh, Canada và Ý, tỷ lệ hàng hóa được bán với giá khuyến mãi từ năm 2020 đã giảm 1,5 lần.
Nhìn chung, tất cả những điều này cho thấy rằng, tỷ lệ hàng hóa tham gia vào chương trình giảm giá - vốn đã không cao - lại càng giảm mạnh khi lạm phát tăng lên, khiến các hộ gia đình khó có cơ hội tiết kiệm để bù đắp tác động của giá cả leo thang.
Theo tính toán của các tác giả, nếu ở Mỹ trong suốt 6 năm nghiên cứu, hoàn toàn không có khuyến mãi hay giảm giá nào, thì tổng chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm cũng chỉ tăng thêm khoảng 3,8%.
Đóng góp của lạm phát hàng giá rẻ
Câu hỏi thứ hai mà các nhà nghiên cứu quyết định giải đáp là: Trong thời kỳ lạm phát cao điểm, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được bao nhiêu nếu chuyển sang mua các thương hiệu rẻ hơn. Để làm rõ điều này, Cavallo và Krivtsov đã tính toán mức độ và tốc độ thay đổi giá của tất cả các mặt hàng trong mẫu nghiên cứu từ năm 2019. Họ tập trung vào động thái giá cả của những sản phẩm tương tự, có thể thay thế nhau nhưng đến từ các nhà sản xuất khác nhau và có chất lượng khác nhau. Đầu tiên, các tác giả xác định mức giá trung bình của từng mặt hàng trong mẫu vào năm 2019, sau đó chia tất cả các sản phẩm thay thế được thành bốn nhóm nhỏ: từ nhóm rẻ nhất (25% đầu tiên) đến nhóm đắt nhất (25% cuối) và tính chỉ số giá cho từng nhóm từ tháng 1/2020 đến cuối tháng 5/2024.
Kết quả cho thấy, trước khi lạm phát tăng tốc và sau khi nó bắt đầu chậm lại, giá cả ở cả bốn nhóm thay đổi với tốc độ tương đương nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn lạm phát tăng mạnh, giá của các mặt hàng rẻ hơn lại tăng nhanh hơn nhiều so với hàng đắt tiền.
Ví dụ, tại Mỹ, từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2024, trong khi giá thực phẩm nói chung tăng 26%, thì các thương hiệu rẻ nhất tăng tới 30%, còn các thương hiệu đắt nhất chỉ tăng 22%. Đợt tăng giá mạnh nhất của các thương hiệu rẻ nhất rơi vào khoảng đầu năm 2021 (khi lạm phát bùng nổ) đến đầu năm 2023 (khi lạm phát bắt đầu hạ nhiệt). Nhìn chung, lạm phát của các thương hiệu rẻ nhất tại Mỹ cao hơn 1,4 lần so với hàng cao cấp, khiến khoảng cách giá giữa hai nhóm này thu hẹp lại.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở tất cả các quốc gia khác trong mẫu nghiên cứu. Tại đây, các thương hiệu rẻ nhất tăng giá nhanh hơn 1,3 - 1,9 lần so với các thương hiệu đắt nhất và chênh lệch này đạt đỉnh trong giai đoạn lạm phát cao.
Ở mọi nơi, trước và sau đợt bùng nổ lạm phát, giá cả của các thương hiệu khác nhau trong cùng một nhóm hàng hóa đều tăng với tốc độ tương đương. Nhưng trong giai đoạn lạm phát tăng tốc, giá thương hiệu hàng rẻ tăng nhanh hơn đáng kể so với cả mức lạm phát chung lẫn giá thương hiệu hàng đắt tiền. Điều này cho thấy hiện tượng lạm phát hàng rẻ xuất hiện chủ yếu trong thời kỳ lạm phát cao và không liên quan đến các yếu tố định giá khác.
Nguyên nhân xuất hiện lạm phát hàng giá rẻ?
Sự xuất hiện của cheapflation (lạm phát hàng rẻ) trong các giai đoạn lạm phát tăng vọt được Cavallo và Krivtsov lý giải là do tác động của một số cơ chế, chia làm hai nhóm: phía cung và phía cầu.
Về phía cung, cấu trúc chi phí và chuỗi cung ứng có thể khác nhau giữa các sản phẩm có giá trị thấp và cao. Việc sản xuất hàng hóa giá rẻ với công nghệ kém tiên tiến, phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu thô cơ bản (ví dụ: đường, nhựa để đóng gói) và vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn trước những gián đoạn nguồn cung khác nhau. Sự gián đoạn nguồn cung hoặc giá nguyên liệu thô tăng ngay lập tức làm tăng chi phí sản xuất các sản phẩm rẻ hơn, điều này đã xảy ra do đại dịch.
Ngược lại, giá của các sản phẩm cao cấp phụ thuộc nhiều hơn vào chi phí nghiên cứu và phát triển, tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Những hàng hóa đắt tiền hơn được sản xuất với số lượng nhỏ hơn bởi các công ty lớn hơn, được bảo vệ tốt hơn khỏi sự gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, các nhà sản xuất sản phẩm giá rẻ có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn để duy trì tính cạnh tranh trong việc thu hút người mua nhạy cảm về giá. Và khi giá thành sản phẩm tăng mạnh, các nhà bán lẻ không có “vùng đệm” để bù đắp các chi phí bổ sung, do đó, họ có nhiều khả năng chuyển phần chi phí tăng thêm đó sang cho người tiêu dùng.
Về phía cầu, lạm phát hàng rẻ phản ánh sự gia tăng nhu cầu đối với các thương hiệu rẻ hơn trong thời kỳ lạm phát tăng cao do thu nhập thực tế giảm. Đồng thời, những người có thu nhập thấp, vốn là những người chủ yếu mua hàng giá rẻ, không có lựa chọn nào khác để chuyển sang các sản phẩm tương tự thậm chí rẻ hơn và các nhà sản xuất có thể tăng giá mà không lo mất khách.
Chi phí của lạm phát hàng giá rẻ
Ngay cả khi các hộ gia đình có thể tiết kiệm tiền nhờ mua hàng giảm giá hoặc chuyển sang thương hiệu rẻ hơn, thì một phần lợi ích này lại bị mất đi do giá của những sản phẩm rẻ tăng nhanh hơn, trong khi chất lượng của chúng lại thường thấp hơn, theo nhận định của các nhà nghiên cứu. Để tính toán tác động tổng thể, tức là lợi ích từ giảm giá và thiệt hại từ cheapflation, Cavallo và Krivtsov tập trung vào nghiên cứu tại Canada. Họ sử dụng dữ liệu từ Công ty tiếp thị Nielsen về mức chi tiêu của người Canada cho hàng tạp hóa và đồ dùng gia đình, các nhà nghiên cứu đã phân tích chi tiêu thực phẩm của 12.000 hộ gia đình thuộc các địa vị xã hội khác nhau từ năm 2019 đến năm 2023. Dữ liệu bao gồm hơn 28,6 triệu lượt mua hàng trên 164 danh mục sản phẩm tại 533 cửa hàng, phản ánh cả sự thay đổi về giá của tất cả các sản phẩm trong mỗi danh mục và liệu mức giảm giá có được áp dụng khi mua hàng hay không.
Phân tích cho thấy rằng vào giai đoạn 2020 - 2023, giá thực phẩm và đồ gia dụng tăng trung bình 17,3% ở Canada, trong khi giá hàng khuyến mại giảm 1,3%. Giống như các quốc gia khác trong mẫu, các thương hiệu rẻ nhất ở Canada tăng giá nhanh hơn nhiều so với tất cả các thương hiệu khác, tăng 23% trong 4 năm, trong khi giá của các thương hiệu đắt nhất tăng 15%.
Khi lạm phát ở Canada bắt đầu tăng tốc vào năm 2021, các hộ gia đình đã chuyển từ việc mua các thương hiệu đắt tiền sang các thương hiệu rẻ hơn, đồng thời, quan tâm nhiều hơn đến hàng khuyến mãi - tỷ lệ sản phẩm được mua theo chương trình giảm giá tăng từ 18% (tháng 4/2020) lên 24% (tháng 10/2021). Ngoài ra, người tiêu dùng cũng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị giá rẻ hơn, với tỷ lệ mua hàng tại các cửa hàng này tăng từ 42% lên 51% tính đến mùa thu năm 2023.
Theo tính toán của Cavallo và Krivtsov, việc mua hàng giảm giá giúp các hộ gia đình bù đắp được khoảng 1/4 tác động của lạm phát thực phẩm, giảm lạm phát xuống 13,2% (giảm 4,1 điểm phần trăm). Tuy nhiên, việc chuyển sang các nhãn hiệu giá rẻ - vốn đang tăng giá nhanh hơn - đã “ăn mòn” phần lớn khoản tiết kiệm này, khiến chỉ số giá chung tăng 2,8 điểm phần trăm.
Như vậy, mặc dù các chương trình giảm giá phần nào giúp người tiêu dùng chống chọi với tình hình giá cả tăng cao, nhưng việc các nhãn hiệu giá rẻ tăng giá nhanh hơn lại khiến người tiêu dùng chịu thêm gánh nặng tài chính, các tác giả kết luận. Điều này càng làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của lạm phát cao đối với phúc lợi hộ gia đình.
Tài liệu tham khảo:
Cavallo, A., & Krivtsov, A. (2024). Price discounts and cheapflation during the post-pandemic inflation surge (Staff Working Paper 2024-31). Bank of Canada. https://www.bankofcanada.ca/2024/08/staff-working-paper-2024-31/
PwC. (2023). February 2023 Global Consumer Insights Pulse Survey. https://www.pwc.com/gx/en/industries/consumer-markets/consumer-insights-survey-feb-2023.html
Bảo Nguyên