Skip to content
Quan niệm thế nào về tiền lương tối thiểu? (Số 16/2007)
| Cỡ chữ: A-A+ | Tương phản |

TS. Châu Đình Phương

Câu hỏi này cần được đặt ra và cần có câu trả lời chính xác. Đáng tiếc, từ khi bước sang kinh tế thị trường tới nay, quan niệm về tiền lương tối thiểu vẫn đang là vấn đề chưa được quan tâm đúng mức nên góp phần không nhỏ vào việc làm
sai lệch từ lý thuyết đến hoạch định chính sách tiền lương.
Có ý kiến cho rằng, “trong kinh tế thị trường thì tiền lương tối thiểu chỉ là giới hạn an toàn, tầng thấp nhất của hệ thống tiền lương”. Thiết nghĩ rằng, đây chưa phải là một khái niệm đầy đủ, chính xác về tiền lương tối thiểu. ý kiến này mới nói lên vai trò và vị trí của tiền lương tối thiểu chứ chưa nói lên được bản chất của tiền lương tối thiểu. Điều mà các nhà hoạch định chính sách cần phải hiểu một cách cặn kẽ, thấu đáo là bản chất của tiền lương tối thiểu là gì. Khi xác định được bản chất của tiền lương tối thiểu, người ta mới tính được mức lương tối thiểu, xác định thang lương cũng như khoảng cách giữa các bậc lương trong từng thang lương. Đây là những cơ sở cần thiết để xác định tổng mức tiền lương của từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của đất nước (xin được giới hạn vấn đề trong khái niệm lương tối thiểu đối với người lao động trong khu vực Nhà nước).
Tại Việt Nam, từ năm 1993 đến tháng 10/2006 đã có đến 7 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tính bình quân, chưa đến 2 năm thì lại có một lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Đặc biệt từ năm 2000 đến năm 2006, chỉ trong vòng 6 năm, Nhà nước đã phải thực hiện 5 lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Xét về mặt bản chất, việc điều chỉnh lương tối thiểu trong thời gian qua có cả yếu tố tăng thu nhập thực tế cho người lao động, và có cả yếu tố bù đắp phần thu nhập thực tế bị mất đi do giá của nhiều mặt hàng thiết yếu tăng lên. Tất nhiên, đây là cả một sự nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của người lao động trong khu vực Nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến của chỉ số lạm phát tiền tệ trong những năm gần đây thì chỉ số giá hàng tiêu dùng vẫn cao; do vậy, tác động làm tăng thu nhập thực tế cho người lao động qua các lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vẫn chưa đủ độ để “khoả lấp” phần tiền thu nhập thực tế bằng tiền lương bị giảm sút do tốc độ tăng giá vẫn cao hơn tốc độ tăng của tiền lương. Để khắc phục được nhược điểm này, có thể có nhiều giải pháp khác nhau. Trong số các giải pháp đó thì hoặc là ổn định được giá cả; hoặc là tiền lương tối thiểu cần được điều chỉnh kịp thời hơn mỗi khi giá cả hàng hoá - dịch vụ tiêu dùng tăng lên. Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã kết hợp cả hai giải pháp này. Tuy nhiên, việc kết hợp đó còn những hạn chế nhất định nên hiệu quả của mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu là chưa cao; thậm chí còn có những tác động ngược lại đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tình trạng, việc điều chỉnh tiền lương đã được mọi người “biết trước” một cách quá sớm, nên lương chưa được điều chỉnh thì giá cả đã tự động tăng lên. Vì vậy, ý nghĩa kinh tế - xã hội của mỗi lần điều chỉnh tiền lương không được thể hiện một cách rõ nét. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được bắt nguồn từ việc quan niệm quan hệ giữa giá cả trong nước với giá cả trên thị trường thế giới qua một số mặt hàng chiến lược như xăng dầu, sắt thép, phân bón chưa thật phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đó là quan niệm về sự thống nhất giữa các hệ thống giá cả nội địa ở từng quốc gia với giá cả trên thị trường mang tính toàn cầu. Do quan niệm như vậy, nên mỗi lần giá cả trên thị trường trong nước tăng lên là được giải thích ngay là, do giá dầu thô, giá sắt thép, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng lên, thì giá trên thị trường trong nước cũng phải tăng theo. Những cách quan niệm còn khác nhau trong giới hoạch định chính sách là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh một cách liên tục. Bên cạnh đó là các quan niệm còn khá xa nhau về tiền lương tối thiểu. Lương tối thiểu được sử dụng để làm cơ sở cho việc trả lương cho những người lao động trong bộ máy Nhà nước có gì khác với mức lương tối thiểu của các thành phần kinh tế không phải là Nhà nước. Tình trạng chưa rõ ràng về quan niệm lương tối thiểu là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự không công bằng về thu nhập trong xã hội. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ Nhà nước ra làm ngoài. Xin lưu ý rằng, đây chính là lực lượng lao động được các cơ quan Nhà nước đã từng bỏ kinh phí ra để đào tạo. Vấn đề đáng lưu tâm hơn là, do chưa có sự rõ ràng trong quan niệm về lương tối thiểu, về thu nhập giữa các thành phần kinh tế khác nhau nên đã và đang tồn tại tình trạng không ít khu vực Nhà nước có mức lương rất cao; đặc biệt là ở một số ngành dịch vụ. Rõ ràng là, với những ngành như vậy, Ngân sách Nhà nước đã và đang bị mất đi một khoản thu khá lớn. Do vậy, ý nghĩa của việc xác định lương tối thiểu là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề này đã và đang chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì thế, một câu hỏi đã và đang được đặt ra nhưng vẫn chưa có câu trả lời là, vì sao một số ngành dịch vụ của Nhà nước có mức lương cao như vậy, có thể gấp vài chục lần so với khu vực hành chính sự nghiệp. Vấn đề đặt ra là, cần trở lại quan niệm về lương tối thiểu trên một số phương diện:
- Lương tối thiểu được xác định trên cơ sở nào?
- Lương tối thiểu trong khu vực Nhà nước và ngoài khu vực Nhà nước có quan hệ như thế nào trong chính sách phân phối lại thu nhập quốc dân?
- Quan hệ giữa lương tối thiểu trong khu vực quản lý Nhà nước và khu vực kinh tế Nhà nước như sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ được xác định như thế nào?
Lưu ý rằng, tiền lương là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu mà người lao động có được sau một thời gian làm việc theo kết quả và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện. Tại Việt Nam, cũng như tại nhiều nước trên thế giới, cơ sở để xác định tiền lương tối thiểu cho người lao động được dựa vào trình độ học vấn và tay nghề mà người lao động có được. Tuy nhiên, theo nguyên tắc này thì mọi loại bằng cấp mà người lao động phải trình cho các nhà chức trách để được xác định tiền lương tối thiểu và các hệ số lương mà người lao động được hưởng là phải đạt chuẩn quốc gia; và tất nhiên mọi loại “bằng rởm” đều không được chấp nhận.
Việt Nam đang phải đối mặt với một trong những khó khăn trong khi xác định lương tối thiểu là, nhiều loại bằng cấp của Việt Nam chưa được các cơ quan chuyên ngành quốc tế thừa nhận; nạn “học giả”, bằng thật vẫn còn tồn tại như một thách thức mà các nhà chức trách đôi lúc phải bó tay. Tình trạng này còn là nguyên nhân làm cho bộ máy quản lý vốn đã cồng kềnh lại cồng kềnh thêm. Hậu quả là, cho dù mức lương tối thiểu dù đã được xác định chính xác nhưng lao động quá dôi dư thì tiền lương bình quân trong xã hội vẫn khó có cơ hội để tăng lên.
Vì vậy, để có được một mức lương tối thiểu hợp lý, ngoài chất lượng của các loại bằng cấp, thì số lượng lao động cần thiết để duy trì hoạt động của mọi tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội cho từng thời kỳ phát triển của đất nước là một trong những cơ sở vô cùng quan trọng. Đây chính là lý do để sự nghiệp cải cách nền hành chính quốc gia được xem như là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2007 và những năm tiếp theo.
Để đổi mới cơ cấu tiền lương trong chi NSNN còn có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục duy trì nguyên tắc “thận trọng” trong cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN). Thực ra, không chỉ trong cân đối NSNN người ta phải thực hiện nó một cách thận trọng mà, trong bất cứ một hoạt động, một việc làm nào thì “thận trọng” cũng được người ta đặc biệt lưu tâm với tư cách là phương pháp, là cách thức (thiên nhiều về cách làm). Do vậy, nếu xem ‘thận trọng” như là một nguyên tắc trong khi cân đối NSNN thì có thể dẫn người ta đến những sai lầm không đáng có. Phải chăng vì quá “thận trọng” mà mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh một cách liên tục trong vòng 10 năm mà đã có tới 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, mà thực chất là để bù đắp phần thu nhập bằng tiền lương bị mất đi do giá cả tiêu dùng tăng lên liên tục.
Thực ra, để có được một NSNN tốt, thì việc cân đối ngân sách cần dựa vào một số nguyên tắc nhất định nào đó như nguyên tắc “hợp lý”; “công bằng”; “hài hoà giữa lợi ích giữa Trung ương và địa phương, giữa các ngành”; “hiệu quả”... Nếu các cân đối quan trọng nhất trong thu - chi ngân sách được xác định một cách hợp lý thì hiệu quả do nó đem lại đối với phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Chính vì vậy, nếu đặt vấn đề coi “thận trọng” như một trong những nguyên tắc để cân đối ngân sách thì e rằng, khi vận dụng nó sẽ gặp khá nhiều trở ngại; thậm chí còn có thể đem lại những mặt phản tác dụng.
Như vậy, để có thể đưa ra những vấn đề cần được xem xét, nghiên cứu đối với “Đổi mới cơ cấu tiền lương trong chi ngân sách nhà nước phục vụ tăng trưởng kinh tế và hội nhập” thì vấn đề trước tiên cần phải làm là cần phải thay đổi cách quan niệm về tiền lương tối thiểu trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đặc biệt, đây là việc xác định mức lương tối thiểu đối với người lao động trong khu vực Nhà nước; là một khu vực vừa có ý nghĩa quyết định trên nhiều mặt kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Để người lao động trong khu vực Nhà nước có thể gắn bó và trung thành suốt đời với thể chế chính trị mà họ đang dốc lòng để phụng sự thì tiền lương tối thiểu của họ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng.
Cần nhấn mạnh rằng, việc đưa ra một quan niệm chính xác về tiền lương tối thiểu cũng có nghĩa là đã xác định được phần định tính của lương tối thiểu. Khi phần định tính của lương tối thiểu chưa được xác định được thì phần định lượng của nó rất khó có thể được xác định một cách đúng đắn.
Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn thì, các cơ sở để xác định mức lương tối thiểu trước hết là tốc độ tăng trưởng kinh tế, là tỷ lệ lạm phát tiền tệ cần được tính đến nhằm tạo được một mức lương tối thiểu có một sự ổn định trong một thời gian nào đó để tiền lương tối thiểu không nhất thiết được điều chỉnh quá nhiều lần như trong những năm vừa qua. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu quá nhiều làm cho người lao động tỏ ra nghi ngờ nhiều hơn là phấn khích vì lương chưa tăng đã thấy giá cả tăng vọt. Có lẽ trong trường hợp như vậy, không nên gọi là tăng lương tối thiểu mà nên gọi là bù đắp phần tiền lương thực tế bị giảm sút do giá cả tăng vọt.
Tóm lại, việc quan niệm đúng khái niệm tiền lương tối thiểu không những chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận; mà quan trọng hơn nhiều là tạo được một cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định lương tối thiểu; làm cho lương tối thiểu thực sự là một trong những công cụ kinh tế quan trọng trong quản lý và điều hành nền kinh tế; trước hết là trong cân đối NSNN.
Để đổi mới cơ cấu tiền lương trong chi NSNN nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước cần phải có rất nhiều giải pháp.
Khá nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xác định tương đối chính xác mức tiền lương tối thiểu là một trong những giải pháp được coi trọng hàng đầu. Cần nói thêm rằng, để xác định được mức tiền lương tối thiểu (một cách tương đối chính xác), trước hết cần có một quan niệm đúng về tiền lương tối thiểu.
Như phần trên đã phân tích, khi quan niệm về tiền lương tối thiểu chưa được rõ ràng và đúng đắn, khi phần định tính của tiền lương tối thiểu chưa phản ảnh được bản chất của tiền lương tối thiểu thì phần định lượng cho nó sẽ không thể chính xác được.
Giải pháp “chủ động nguồn cho điều chỉnh lương” là một trong những giải pháp tích cực. Qua các biện pháp nhằm tập trung mọi nguồn thu (phí, lệ phí, học phí, viện phí…) vào NSNN không những chỉ có ý nghĩa tạo nguồn mà quan trọng hơn là góp phần tích cực vào việc phòng và chống tham nhũng. Đi đôi với việc tạo nguồn để điều chỉnh lương, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức hạch toán tiền lương (kể cả hạch toán kế toán và hạch toán thống kê) nhằm xác định một cách khá chính xác tỷ lệ tiền lương trong chi NSNN. Đây là một trong những giải pháp có tác dụng rất lớn trên nhiều mặt cần được đặc biệt quan tâm.
Trong việc cơ cấu lại NSNN, cần có định hướng thật chính xác. Định hướng đó chính là, việc cơ cấu lại tiền lương trong chi NSNN cần phải đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; và phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt một số nguyên tắc như đã nói đến ở phần trên (hợp lý, hài hoà, hiệu quả)
Thiết nghĩ rằng, vì tiền lương là một trong những công cụ kinh tế cực kỳ quan trọng và vô cùng nhạy cảm trong đời sống kinh tế - chính trị và xã hội của bất cứ một quốc gia nào. Đồng thời, tiền lương cũng là một trong những vấn đề cực kỳ phức tạp trên cả phương diện lý thuyết và thực tiễn. Chính vì vậy, liên quan đến tiền lương, liên quan đến một trong những vấn đề luôn luôn được xã hội quan tâm cần có những trao đổi thường xuyên và liên tục để có thể giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà chức trách có được một cái nhìn đầy đủ, toàn diện, chính xác và sâu sắc hơn nữa về “đòn bẩy” kinh tế đặc biệt quan trọng này.
Tác giả bài viết này rất mong nhận được những ý kiến phản biện từ những vấn đề đã nêu để có thể là tài liệu tham khảo cho các chuyên gia kinh tế của đất nước cũng như các nhà chức trách đang đảm nhiệm các phần việc trực tiếp liên quan đến một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất trong nền tài chính quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

7789 lượt xem
Lạm phát và tiền tệ: Một số quan niệm sai lầm (Số 17/2007)
Lịch sử “cha, con” và tầm nhìn thời đại (Số 16/2007)
Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có phải là hình thức nghịch lý (Số 14/2007)
Toàn cầu hoá tài chính: cách tiếp cận mới (Số 13/2007)
Người lao động trong tiến trình cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước (Số 13/2007)
Xung quanh chuyện hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán 3% (Số 12/2007)
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Số 11/2007)
Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh phát triển thị trường chứng khoán (Số 11/2007)
Sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay (Số 11/2007)
Bất cập của pháp luật về bảo vệ quyền chủ nợ của tổ chức tín dụng (Số 10/2007)
© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306