Skip to content
Tạp chí Ngân hàng - 55 năm xây dựng và phát triển (Số 18/2007)
| Cỡ chữ: A-A+ | Tương phản |

. Quá trình phát triển
1. Giai đoạn từ 1952 - 1989
Hơn một năm sau khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành lập, tháng 9 năm 1952, Ban lãnh đạo Ngành đã cho ra đời tờ Tập san Ngân hàng - Công cụ báo chí đầu tiên và duy nhất của Ngành lúc đó.
Trong những nă
m đầu mới thành lập, Tập san Ngân hàng vừa là công cụ tuyên truyền, giới thiệu các chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động ngân hàng, cũng như tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua, biểu dương người tốt, việc tốt, những sáng kiến và kinh nghiệm công tác, phê phán cái xấu, tiêu cực…; vừa phổ biến các vấn đề lý luận và nghiệp vụ, chính sách, phương hướng hoạt động ngân hàng, trả lời thư bạn đọc, giới thiệu văn bản mới… Về sau, ngoài những vấn đề nêu trên, Tập san đã mở rộng giới thiệu các kinh nghiệm hoạt động ngân hàng của các nước trên thế giới; nhiều bài viết tập trung vào mối quan hệ giữa ngân hàng với bạn hàng, vấn đề quản lý kinh tế; xuất bản các số đặc biệt về thi đua ngành Ngân hàng, tổng kết kinh nghiệm hoạt động của các ngân hàng… Có thể nói, trong 38 năm hoạt động, Tập san Ngân hàng đã có đóng góp không nhỏ trên nhiều phương diện, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành trong quá trình phục vụ hai cuộc kháng chiến thắng lợi, cải tạo và xây dựng CNXH, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đổi mới hoạt động ngân hàng nói riêng.

2. Giai đoạn từ 1990 đến nay
Cuối năm 1990, nền kinh tế nói chung và hệ thống Ngân hàng nói riêng bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện; trong đó, nổi bật là việc xây dựng và triển khai thực hiện hai Pháp lệnh về Ngân hàng, Tập san Ngân hàng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép nâng cấp thành Tạp chí Ngân hàng - Tạp chí lý luận và nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Xuân Canh Ngọ 1990, Tạp chí Ngân hàng chính thức ra mắt bạn đọc, bước tiếp chặng đường 38 năm của Tập san Ngân hàng. Đây là một bước chuyển biến cơ bản cả về nội dung và hình thức. Năm 1997, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định sáp nhập Tạp chí Ngân hàng và Tạp chí Thông tin Khoa học Ngân hàng, lấy tên Tạp chí Ngân hàng, giao cho Viện Khoa học Ngân hàng quản lý và tổ chức xuất bản.
Ngày 2/11/1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/1998/NĐ-CP về tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, Tạp chí Ngân hàng là đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước và ngày 27/3/1999, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 92/1999/QĐ-NHNN9 thành lập Tạp chí Ngân hàng.
Nội dung của Tạp chí Ngân hàng ngày càng phong phú, chất lượng và đã tập trung vào những vấn đề chính sau:
- Một số sự kiện chính trị lớn của đất nước; những phân tích, luận giải về các sự kiện kinh tế - tài chính - ngân hàng; những vấn đề mới và có ý nghĩa quan trọng trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nói chung và Ngành nói riêng về tiền tệ - ngân hàng; những sự kiện nổi bật trong hoạt động ngân hàng của các nước trên thế giới; những vấn đề kinh tế vĩ mô liên quan trực tiếp đến tiền tệ - ngân hàng như: tăng trưởng, lạm phát, đầu tư, quản lý nợ nước ngoài, cán cân thanh toán quốc tế…
- Tổ chức xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ, công cụ chính sách tiền tệ; tỷ giá; thanh tra; thanh toán; quản lý ngoại hối, cơ cấu lại các ngân hàng; hiện tượng đôla hóa…
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; trong đó, vấn đề thường được quan tâm đặc biệt là công nghệ ngân hàng, bao gồm: các nghiệp vụ truyền thống, các sản phẩm và dịch vụ mới, các nghiệp vụ phái sinh, quản trị rủi ro, các thiết chế an toàn, kiểm soát, kiểm toán nội bộ các tổ chức tín dụng.
- Những vấn đề về thị trường tiền tệ, thị trường vốn; đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp - những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng.
- Những kinh nghiệm, điển hình tiên tiến trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế…
Theo định hướng trên, cùng với sự cộng tác chặt chẽ của đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt, Tạp chí đã tập hợp được đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học và những chuyên gia giỏi về lĩnh vực ngân hàng, tài chính tham gia cộng tác thường xuyên; vì vậy, nội dung các bài đăng Tạp chí về cơ bản, đã đáp ứng được yêu cầu về tuyên truyền lý luận nghiệp vụ của Ngành, là kênh đưa lý luận đến với thực tiễn và cũng là diễn đàn trao đổi, khái quát, nâng thực tiễn lên tầm khoa học. Đặc biệt, nhiều bài viết đã không chỉ đi sâu vào các vấn đề chính sách và cơ chế, quy chế có liên quan của Đảng, Nhà nước mà còn đi sâu phân tích việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình nghiệp vụ ở cả trong điều hành quản lý vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng…
Ngoài các số tạp chí định kỳ, Tạp chí Ngân hàng còn xuất bản các số Tạp chí chuyên đề, đề cập những vấn đề quan trọng, cấp thiết trong lĩnh vực ngân hàng, với các nội dung sau:
Tín dụng ngân hàng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng; Mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay vốn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Triển vọng mở rộng phạm vi phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng ở Việt Nam; Xử lý tài sản thế chấp và giải tỏa các khoản nợ đóng băng của ngân hàng; Tăng cường phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng; Định hướng điều hành lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng; Tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực; Ngân hàng với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xóa đói giảm nghèo; 40 năm xây dựng và phát triển Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Hoàn thiện Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước yêu cầu tiếp tục đổi mới; Hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng trước yêu cầu tiếp tục đổi mới; Ngân hàng Công thương Việt Nam - 15 năm xây dựng và phát triển; Thực trạng và giải pháp mở rộng dịch vụ tài khoản cá nhân ở nước ta hiện nay; Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam; Kết quả sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 57/CT-TW của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; Quản trị các định chế tài chính nông thôn và đổi mới hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong tiến trình hội nhập; Bàn về cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 trong lĩnh vực ngân hàng; Tiếp tục đổi mới Thanh tra ngân hàng Việt Nam; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam; Xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại.
Về xuất bản tài liệu tham khảo, trong ba năm qua, Tạp chí Ngân hàng đã xuất bản 4 đầu sách tham khảo; đó là: (1) “Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi”. Cuốn sách đã đáp ứng được nhu cầu của các cán bộ, công chức làm việc trong ngành Ngân hàng và đông đảo bạn đọc khác trong cả nước tìm hiểu, nghiên cứu và thực thi đúng pháp luật. (2) “Phương pháp thống kê và phân tích cán cân thanh toán quốc tế”. Cuốn sách đã góp phần trang bị kiến thức trong quản lý kinh tế vĩ mô của đất nước về thống kê cán cân thanh toán - bản báo cáo thống kê cho một thời kỳ nhất định, phản ánh toàn bộ các giao dịch kinh tế của một nền kinh tế với phần còn lại của thế giới. (3) “Các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở Việt Nam” (2 tập). Cuốn sách này đã được lựa chọn tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực về tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở nước ta đến năm 2005, đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và tra cứu pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng của đông đảo bạn đọc trong và ngoài Ngành. (4) “Cẩm nang các tổ chức tín dụng tại Việt Nam” là một công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng hệ thống Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 55 năm thành lập và đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Cuốn sách giới thiệu tới đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước về những thành tựu của hệ thống Ngân hàng Việt Nam; đặc biệt là những đóng góp to lớn, cũng như những bài học kinh nghiệm của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong 20 năm đổi mới vừa qua; đồng thời, cung cấp các thông tin của từng tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay.

3. Tổ chức xuất bản và phát hành
- Từ chỗ chỉ in hai màu đen trắng trên các trang ruột, bằng giấy thường, không đưa ảnh vào kèm các bài viết… nay đã in bằng giấy có chất lượng cao hơn, ảnh được đăng kèm với một số bài viết trở thành tác phẩm báo chí sinh động.
- Trình bày trong các trang ruột hấp dẫn hơn. Các tít bài cô đọng, phản ánh đúng chủ đề bài viết. Các tờ bìa từ chỗ trình bày đơn giản,… nay đã có màu sắc thay đổi linh hoạt, đa dạng và bám sát nhiệm vụ chính trị chung trong từng thời điểm.
- Kích cỡ và trang in của Tạp chí cũng đã thay đổi; riêng số trang đã tăng từ 36 trang lên 56 - 60 trang... đến nay là 68 trang. Các số chuyên đề, số Tết Nguyên đán hay nhân dịp kỷ niệm lớn đều được tăng trang.
- Việc xuất bản Tạp chí Ngân hàng định kỳ được thực hiện thường xuyên. Từ năm 1997 đến năm 2005, còn xuất bản thêm các số chuyên đề. Từ năm 2006 đến nay, Tạp chí Ngân hàng tăng kỳ xuất bản lên 2 kỳ/tháng, mỗi số 68 trang.
- Số lượng in và phát hành đã tăng từ 5.700 cuốn lên 6.300 cuốn/kỳ; hiện nay gần 6.000 cuốn/kỳ. Tạp chí Ngân hàng đã được phát hành khá rộng rãi đến nhiều đối tượng, từ các đại biểu Quốc hội đến các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương, tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, các ngành, các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng và nhiều đối tượng ngoài xã hội…

4. Các danh hiệu thi đua
Với những đóng góp xứng đáng vào hoạt động của toàn Ngành nói riêng và đất nước nói chung, Tạp chí Ngân hàng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1987 (nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập), Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 1992 (nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Bằng khen trong thời kỳ đổi mới nhân dịp tổng kết 10 năm đổi mới hoạt động ngân hàng; Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng Bằng khen (nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về phong trào thi đua các năm từ 2002 - 2006 và nhiều Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Trong mấy năm gần đây, tham dự các Hội báo Xuân, Tạp chí Ngân hàng đều được các giải quan trọng, trong đó, đạt giải A trang bìa 1 Hội báo Xuân ất Dậu - 2005.

5. Một số bất cập cần khắc phục
- Chất lượng một số bài viết vẫn chưa đáp ứng được người đọc ở trình độ cao; vẫn còn những bài viết chứa đựng ít hàm lượng khoa học hoặc có nội dung đề cập chưa sát với đòi hỏi thực tiễn; chưa có nhiều bài viết mang tính chất nghiên cứu cơ bản; còn ít bài viết mang tính phản hồi và trao đổi; một số bài viết nặng về nghiên cứu định tính, thiếu phần nghiên cứu định lượng nên tính thuyết phục chưa cao.
- Các bài viết đi sâu vào công nghệ và nghiệp vụ ngân hàng còn hạn chế về số lượng và chất lượng; các bài viết về ngân hàng nước ngoài, liên doanh và cổ phần chưa nhiều; một số bài viết kinh nghiệm nước ngoài ít tính hấp dẫn.
- Trong nhiều năm trở lại đây, các bài viết về chính sách tiền tệ, công cụ chính sách tiền tệ còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Điều đó, do một phần nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại chưa thực sự quan tâm dành thời gian nghiên cứu và viết bài thể hiện tư duy và quan điểm của mình trên diễn đàn lý luận khoa học của Ngành.
- Công tác biên tập vẫn còn những hạn chế nhất định; việc bố trí cơ cấu bài viết có lúc còn chưa thật hợp lý.
- Mặc dù đã có định hướng đa dạng hóa nội dung, tập trung khai thác những chủ đề mới nhưng tạp chí vẫn chưa huy động được nhiều bài viết có tính đột phá, hướng dẫn dư luận, tổng kết thực tiễn.
- Công tác thu hút cộng tác viên tuy đã được chú trọng nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Việc thiết lập mối quan hệ với cộng tác viên thuộc các Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng chưa được thường xuyên.
- Số lượng phát hành còn ít so với một số tạp chí kinh tế khác; phát hành ra ngoài hệ thống còn ít. Việc xã hội hóa rất khó khăn.
Tóm lại, bên cạnh những thành tích to lớn đã đạt được trong thời gian qua, Tạp chí Ngân hàng vẫn còn những bất cập nhất định cần khắc phục trong thời gian tới, nhưng có thể nói trong 55 năm qua, cùng với sự phát triển của Ngành, Tạp chí Ngân hàng luôn bám sát định hướng tuyên truyền của các cơ quan cấp trên, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và đã làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

II- Những định hướng cơ bản cho giai đoạn phát triển mới
Để tiếp tục nâng cao chất lượng Tạp chí Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, góp phần để Tạp chí Ngân hàng hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chúng tôi xin nêu lên một số định hướng cơ bản cho những năm tiếp theo như sau:
Thứ nhất, cải tiến, bổ sung, hoàn thiện các chuyên mục Tạp chí bám sát sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; đặc biệt tập trung vào các nội dung sau:
- Các giải pháp lớn nói chung và ngân hàng nói riêng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế bền vững,…
- Chiến lược và giải pháp phát triển ngành Ngân hàng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đề cập các nội dung: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, xây dựng mới Luật Giám sát hoạt động ngân hàng và Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, rà soát lại các văn bản pháp quy trong lĩnh vực ngân hàng đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam ra nhập WTO; xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành Ngân hàng Trung ương hiện đại; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng với trọng tâm là cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước…
- Giải pháp khắc phục vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; những vấn đề liên quan đến thị trường tài chính, cải cách và phát triển doanh nghiệp; những kinh nghiệm quốc tế về hoạt động kinh tế - ngân hàng.
- Tuyên truyền kịp thời các sự kiện lớn của đất nước và của Ngành; tiếp tục tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thứ hai, cần chú trọng hơn việc thông qua diễn đàn của Tạp chí Ngân hàng để trao đổi, tranh luận, hướng dẫn, tổng kết những vấn đề lý luận và vận dụng thực tiễn có sự khác nhau về quan điểm.
Thứ ba, làm tốt hơn nữa công tác cộng tác viên và bạn đọc.
Thứ tư, chú trọng cải tiến và nâng cao chất lượng biên tập để gạn lọc, quy tụ được trí tuệ và nâng cao hàm lượng khoa học, tính lôgíc và chặt chẽ trong văn phong, bố cục, cơ cấu để tăng giá trị bài viết.
Thứ năm, phấn đấu tăng lượng phát hành; trình bày Tạp chí hiện đại hơn.
Thứ sáu, phối hợp với các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại để tiếp tục xuất bản tài liệu tham khảo; phối hợp tuyên truyền với các địa phương để nhân rộng các điển hình tiên tiến về hoạt động ngân hàng trong cả nước.
Thứ bảy, tiếp tục củng cố tổ chức, làm tốt hơn nhiệm vụ đối với đơn vị sự nghiệp có thu của Ngân hàng Nhà nước, từ đó, có điều kiện cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên.
Nhân dịp này, thay mặt toàn thể cán bộ nhân viên Tạp chí Ngân hàng, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), Ban Tư tưởng Văn hóa - Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và sự phối hợp có hiệu quả của các Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, các cơ quan báo chí trong và ngoài Ngành, sự quan tâm của các đồng chí đã từng công tác tại Tạp chí, sự cộng tác nhiệt tình của các cộng tác viên.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử 55 năm - xây dựng và phát triển, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên Tạp chí Ngân hàng hiện nay, đặc biệt, tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí, Tạp chí Ngân hàng sẽ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

4582 lượt xem
Sáp nhập và mua lại, một xu hướng cần lưu ý trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Số 18/2007)
Lạm phát và tiền tệ: Một số quan niệm sai lầm (Số 17/2007)
Quan niệm thế nào về tiền lương tối thiểu? (Số 16/2007)
Lịch sử “cha, con” và tầm nhìn thời đại (Số 16/2007)
Nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có phải là hình thức nghịch lý (Số 14/2007)
Toàn cầu hoá tài chính: cách tiếp cận mới (Số 13/2007)
Người lao động trong tiến trình cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước (Số 13/2007)
Xung quanh chuyện hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán 3% (Số 12/2007)
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm tiền vay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Số 11/2007)
Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh phát triển thị trường chứng khoán (Số 11/2007)
© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306