Skip to content
Về tỷ lệ tiết kiệm
| Cỡ chữ: A-A+ | Tương phản |

Cho đến nay, cộng đồng kinh tế học và thống kê vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong giải thích về hành vi tiết kiệm và tiêu dùng của các thành phần kinh tế. Trong bối cảnh diễn biến khủng hoảng kinh tế hiện nay và nguyên nhân của nó đã và đang được bàn bạc ở rất nhiều nơi trên thế giới, một số quan điểm cho rằng tỷ lệ tiết kiệm cao ở các nước Đông Á và các quốc gia sản xuất dầu mỏ là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất cân đối và khủng hoảng toàn cầu. Trong bài viết này, Thống đốc NH Nhân dân Trung quốc Chu Tiểu Xuyên sẽ làm sáng tỏ một số yếu tố tác động tới tỷ lệ tiết kiệm, và xem xét các lý do đằng sau tỷ lệ tích luỹ cao ở các nước Đông Á và các nước sản xuất dầu mỏ và tỷ lệ tiết kiệm thấp ở Mỹ. Bài viết cũng mô tả ngắn gọn tình hình tiết kiệm ở Trung quốc với những giải pháp phù hợp, và đề xuất một số lựa chọn tối ưu đối với tỷ lệ tiết kiệm. Các luận điểm chính của bài viết đã được thảo luận tại Hội thảo cấp cao do NHTW Negara Malaysia chủ trì ngày 10 tháng 2 năm 2009.

 

 

I. Nhưng yếu tố tác động tới tỷ lệ tiết kiệm:

Thuật ngữ “Tiết kiệm” trong bài viết này được hiểu bao gồm tiết kiệm trong nước, thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Cho đến nay, vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ và có cơ sở thực tế về mối quan hệ giữa tỷ lệ tiết kiệm và các yếu tố khác như mức độ phát triển được tính bằng GDP/đầu người, tỷ giá hối đoái, sự phát triển của các tổ chức tín dụng và thị trường vốn, truyền thống, cơ cấu nhân khẩu học và hệ thống an sinh xã hội. Trong một số nghiên cứu, tỷ giá hối đoái có mối quan hệ tương quan về mặt thống kê với tỷ lệ tiết kiệm, nhưng hệ số ước lượng về mối quan hệ giữa chúng thường rất thấp và đôi khi không có ý nghĩa về mặt thống kê. Chính vì vậy, việc tạo ra ảnh hưởng tới tỷ lệ tiết kiệm đơn thuần thông qua điều chỉnh yếu tố tỷ giá rất ít khi diễn ra.

Việc xác định các yếu tố để tác động tới tỷ lệ tiết kiệm là một thách thức lớn về mặt chính sách đối với tất cả các nước. Các nước chỉ có thể đưa ra được bộ công cụ chính sách hiệu quả sau khi xác định các yếu tố cấu thành và có ảnh hưởng tới tỷ lệ tiết kiệm.

 

II. Nguyên nhân của tỷ lệ tiết kiệm ở các nước Đông Á và các nước sản xuất dầu mỏ:

Cấu trúc truyền thống, văn hoá, gia đình, và cơ cấu nhân khẩu và các giai đoạn phát triển kinh tế là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tiết kiệm cao ở các nước Đông Á. Trước hết, các nước Đông Á bị ảnh hưởng bởi đạo Khổng, một loại hình đạo giáo đề cao tính tiết kiệm, nguyên tắc cá nhân, và phê phán sự tiêu pha hoang phí. Thứ hai, chúng ta có thể tìm thấy sự khác nhau về văn hoá trong các cuốn sách hoặc trong kho tàng văn học của các nước khác nhau. Ví dụ, các nước ở Châu Mỹ La tinh có cùng mức phát triển tương đồng như các nước Đông á, nhưng họ có tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn. Điều này có thể lý giải cho sự khác biệt về văn hoá của khu vực Mỹ La tinh, nơi người dân có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn và thường nhanh chóng chi dùng hết số tiền lương mà họ kiếm được. Thứ ba, mối quan hệ chặt chẽ trong gia đình ở các nước Đông Á, các gia đình phải gánh vác trách nhiệm xã hội như cung cấp tiền nuôi dưỡng cha mẹ già, nuôi con cái. Thứ tư là, theo Giả thuyết vòng đời của Franco Modigliani, mức tiết kiệm để chi dùng cho tương lai và dự phòng để chữa bệnh sẽ cao lên khi dân số trong độ tuổi lao động tăng lên. Khi nghiên cứu các giai đoạn tăng trưởng kinh tế, trong những thời điểm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao, phần lớn của thu nhập tăng thêm sẽ được người ta giữ lại để tiết kiệm, dẫn tới tỷ lệ tiết kiệm hàng năm sẽ càng tăng cao hơn. Trung quốc chính là trường hợp có tỷ lệ tiết kiệm cao nhờ 2 điều kiện nêu trên. Nhật bản và Mỹ cũng có thể minh hoạ về sự đóng góp của các yếu tố này trong việc xác định mức tỷ lệ tiết kiệm. Giống như Mỹ, Nhật bản là nước phát triển với mức thu nhập bình quân đầu người cao. Hệ thống an sinh xã hội ở hai nước này thì lại có những khiếm khuyết đáng kể. Tuy vậy, tỷ lệ tiết kiệm của Nhật bản cao hơn rất nhiều so với Mỹ. Lý do được đưa ra là do văn hoá, giá trị gia đình và yếu tố nhân khẩu học ở Nhật bản có những điểm tương đồng với các nước khác ở Đông Á.

Một số quan điểm khác lại cho rằng hệ thống an sinh xã hội yếu kém cũng có thể dẫn tới tỷ lệ tiết kiệm cao hơn. Nghe thì có vẻ lô gíc, nhưng ý kiến này lại thiếu các bằng chức thực nghiệm ủng hộ. Hơn thế nữa, nó được đưa ra dựa trên giả định rằng, hành vi như vậy của con người là có cơ sở vì họ phải gia tăng tiết kiệm để trang trải cho chi phí khám chữa bệnh và chi tiêu trong tương lai.

Tỷ lệ tiết kiệm cao ở các nước sản xuất dầu mỏ thì có những nguyên nhân khác. Nhờ có nguồn dầu mỏ dồi dào hơn rất nhiều so với nhu cầu sử dụng của họ, những nước này tự nhiên có tích luỹ tài sản như một hình thức tiết kiệm.

Những cuốn sách kinh tế học cơ bản thường bắt đầu bằng những từ như ” cung, cầu và giá cả”, hướng bạn đọc tới niềm tin rằng một số loại hình giá cả (như tỷ giá và lãi suất) có thể lý giải cho thái độ đối với tiết kiệm và tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy mức độ tiết kiệm bị ảnh hưởng nhiều yếu tố và nó không thể điều chỉnh đơn giản chỉ bằng một yếu tố là tỷ giá hối đoái danh nghĩa. Các yếu tố khác như truyền thống, văn hoá, cơ cấu gia đình, hệ thống nhân khẩu và an sinh xã hội không thể bị thay đổi trong một thời gian ngắn. Vì vậy, cần phải có thời gian để các chính sách đi vào cuộc sống và có thể ảnh hưởng theo các mục tiêu đã định.

 

III. Mối liên hệ giữa khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á với tỷ lệ tiết kiệm ở các nước Đông Á

Tỷ lệ tiết kiệm trong GDP được cấu thành bởi tiết kiệm của dân cư, doanh nghiệp và chính phủ. Nếu tổng số tiết kiệm vượt qua mức đầu tư nội địa, thì phần chênh lệch sẽ được bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Để phân tích sự gia tăng nghiêm trọng của tình trạng mất cân đối giữa tiết kiệm và thương mại ở các nước Đông á sau năm 1997, chúng ta cần xem xét lại sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính Châu Á tối với tỷ lệ tiết kiệm ở các nước này.

Tỷ lệ tiết kiệm và dự trữ ngoại hối cao ở các nước Đông Á là kết quả của phản ứng tự vệ trước yếu tố đầu cơ bằng cách lợi dụng người khác. Trong thời kỳ khủng hoảng Châu Á, sự đầu cơ tràn lan của các quỹ được bảo hộ đã tạo nên các dòng vốn vào rất lớn và tiếp theo là tình trạng đảo ngược dòng vốn, đã làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn về kinh tế ở những nước này. Người dân ở đó đã thực sự bị sốc và bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cú tấn công mang tính chất đầu cơ đó. Sau này, nhiều người đã cho rằng, tình trạng lợi dụng đầu cơ không thể kiểm soát được chính là thủ phạm gây nên cuộc khủng hoảng, và cần phải có các qui định quốc tế phù hợp. Tuy nhiên, sau nhiều lần cân nhắc, một số nước đã không ủng hộ những qui định đó, và họ đã không thể nhận ra yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh hệ thống các qui định. Các tổ chức quốc tế cũng đã không thực hiện trách nhiệm điều tiết những luồng vốn vào bất thường, khiến cho các nước Đông Á phải tăng nguồn dự trữ ngoại hối của mình lên để tự phòng vệ.

Sự tăng lên về tỷ lệ tiết kiệm và thặng dư tài khoản vãng lai ở các nước Đông Á còn là kết quả của kế hoạch giải cứu được các tổ chức quốc tế xây dựng. Những kế hoạch giải cứu này đã không đề cập tới việc kiểm soát các luồng vốn đầu cơ xuyên quốc gia, mà đáng lý ra việc kiểm soát này cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ. Thay vào đó, các điều kiện quá mức và nghiêm ngặt được áp đặt, bắt buộc các nước đang bị khủng hoảng thực hiện chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, cắt giảm thâm hụt tài chính và tăng dự trữ ngoại hối. Một thập kỷ sau, các nước Đông Á đã nhận ra các bài học cho riêng mình, nên đã tăng dự trữ ngoại hối và tiết kiệm trong nước để tăng cường khả năng chống chọi với khủng hoảng tài chính.

Tất nhiên, còn có nhiều tổn thương khác trong các mô hình phát triển kinh tế, quản lý nợ nước ngoài cũng như xây dựng thể chế của các nước Đông Á. Các cuộc cải cách toàn diện về thể chế đối với lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính được thực hiện ngay trong thời kỳ khủng hoảng, hệ thống an sinh xã hội được cải thiện, hệ thống giáo dục và y tế cũng được cải tổ. Tuy nhiên, cần có thời gian để những nỗ lực này có thể gây tác động thực sự đối với nền kinh tế.

IV. Trung quốc có điều chỉnh tỷ lệ tiết kiệm một cách hiệu quả không?

Trong thời kỳ khủng hoảng, Trung quốc, với vai trò là một nền kinh tế lớn có trách nhiệm, đã không phá giá đồng nội tệ và đã phải chấp nhận sự hồi phục kinh tế tương đối chậm chạp. Sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo Trung quốc trong việc duy trì sự ổn định của đồng Nhân dân tệ đã góp phần đẩy lùi sự lan truyền của cuộc khủng hoảng tài chính.

Sau khủng hoảng, Trung quốc đã tập trung nỗ lực để cải thiện khu vực doanh nghiệp và chính phủ thông qua các cuộc cải tổ theo định hướng thị trường. Lợi nhuận của doanh nhgiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước đã tăng lên; tình trạng tài khoá được cải thiện và thu nhập dân cư cũng tăng ổn định. Bắt đầu từ năm 2002, tỷ lệ tiết kiệm bắt đầu tăng, trong đó tiết kiệm dân cư tăng ổn định, tiết kiệm của doanh nghiệp tăng đáng kể. Tỷ lệ tiết kiệm của Trung quốc tăng từ 37,5% năm 1998 lên 49,9% năm 2007. Trong giai đoạn này, tỷ lệ thu nhập để lại của khối doanh nghiệp so với thu nhập để lại của quốc gia tăng từ 13% lên 22,5%, trong khi tỷ lệ thu nhập để lại của chính phủ trong tổng thu nhập của cả nước chỉ chiếm 2%.

 

Tỷ lệ tiết kiệm của khối doanh nghiệp so với GDP của Trung quốc là tỷ lệ cao so với các nước khác trên thế giới. Tỷ lệ này có mối quan hệ chặt chẽ với mức chi phí/lợi nhuận của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của Trung quốc. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá, nhà cửa, chăm sóc y tế, và lương hưu được doanh nghiệp và chính phủ cung cấp, và không được tính vào lương trả hàng tháng cho người lao động. Điều này không tạo động lực khuyến khích người dân tiết kiệm để tích luỹ. Tiết kiệm, thậm chí, bị người ta coi như “ hành động không có chủ đích” vì mọi người phải thường xuyên xếp hàng để mua hàng tiêu dùng với một lượng cung cấp rất hạn chế. Sau cuộc cải cách những năm 1990, hệ thống “ bát sắt” ( sự đảm bảo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội suốt đời) đã bị bãi bỏ và doanh nghiệp đã ngưng cung cấp lương hưu và nhà ở miễn phí. Tuy vậy, một hệ thống an sinh xã hội hội hiệu quả vẫn chưa thực sự tồn tại. Điều này đã làm tăng đáng kể động lực tiết kiệm phòng thân. Tuy nhiên, chi phí thực của lao động cần có thời gian để được tính vào chi phí của doanh nghiệp. Do đó, một khoản lợi nhuận rất lớn từ sai lệch chi phí đã không được phản ánh (ghi chép) trong tài khoản nợ về lương, y tế và nhà ở cho người lao động, như đúng ra nó phải được phản ánh, dẫn tới sự tăng lên đáng kể về tiết kiệm của doanh nghiệp. Điều này giải thích lý do tăng tiết kiệm của doanh nghiệp và hộ gia đình. Nó còn giải thích lý do vì sao một số người gợi ý rằng một phần cổ phiếu của các công ty niêm yết do nhà nước nắm giữ cần được chuyển vào quỹ an sinh xã hội của nhà nước.

Các quan chức Trung quốc có xu hướng thực hiện các chính sách cắt giảm tỷ lệ tiết kiệm rất rõ ràng. Từ năm 2005, cầu nội địa tăng cao và khuyến khích tiêu dùng là những yếu tố quan trọng của các chính sách kinh tế quốc dân. Những chính sách này có thể làm giảm tỷ lệ tiết kiệm. Tuy vậy, cần có những nghiên cứu chuyên sâu để xác định các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ tiết kiệm, sự co giãn giữa tỷ lệ tiết kiệm với các yếu tố này, và các biện pháp điều chỉnh cần thiết.

Bên cạnh đó, các cuộc cải cách không toàn diện trong một số lĩnh vực cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ tiết kiệm. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân của Trung quốc đã thực sự hoạt động theo định hướng thị trường và không còn bị bóp méo về chi phí, nhưng việc cải tổ khu vực công vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện mặc dù có đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc cải cách các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Việc không xác định được cơ cấu chí phí (chi tiêu) một cách đầy đủ và rõ ràng đã cản trở quá trình điều chỉnh tỷ lệ tiết kiệm. Vì vậy, điều quan trọng là phải xúc tiến việc cải tổ khu vực công và sự chuyển đổi các chức năng của chính phủ.

 

V. Những quan sát về tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ.

 

Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình của Mỹ trong những năm gần đây được chia thành 2 giai đoạn: Trước khoảng thời gian giữa những năm 1990, tỷ lệ này giao động trong khoảng từ 7 – 10%; sau năm 1997, tỷ lệ này giảm mạnh cùng với tình trạng thâm hụt kép, đặc biệt là thâm hụt thương mại. Một số người gán tình trạng tiết kiệm thấp với “cảm giác mãn nguyện” trong hoạt động kinh tế của Mỹ từ giữa những năm 1990. Đặc biệt, cuối những năm 1980 và đầu những năm 90, sau sự sụp đổ của hệ thống kế hoạch hoá tập trung của khối các nước XHCN thuộc Liên xô cũ và Đông Âu, tăng trưởng của các nước thuộc khối này đã giảm dần. Trong những năm 1990, nền kinh tế Nhật bản cũng bị rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài, và hoạt động kinh tế của EU cũng rất ảm đạm. Do những vấn đề về cơ cấu, trong đó bao gồm cả vấn đề về thị trường lao động không có sự chuyển động (không có sự cải thiện). Nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã cho rằng hệ thống kinh tế của mình là tối ưu và dường như không có nước nào có thể sánh bằng. Chỉ còn có một thách thức duy nhất, về mặt hệ thống kinh tế, đến từ các nước Châu Á; sau năm 1997, các nền kinh tế châu Á phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngược lại, nền kinh Mỹ lại thể hiện sự linh hoạt và phục hồi nhanh chóng sau vụ tấn công ngày 11/9 và sự xuất hiện bong bóng công nghệ thông tin trong những năm gần đây. Tất cả những điều này khiến người dân có cảm giác tự mãn, nên nó đã ảnh hưởng tới thái độ tiết kiệm của người dân Mỹ. Tuy vậy, người ta cũng hy vọng, cuộc khủng hoảng tài chính với qui mô lớn chưa từng thấy hiện nay có thể sẽ xoá đi ý nghĩ này.

Thời gian qua đi, chúng ta có thể nhận thấy tình trạng tiết kiệm ít và chi tiêu nhiều đã bắt đầu từ những năm 1990. Ngược lại, tỷ lệ tiết kiệm của các nước Đông Á chỉ tăng lên sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và tỷ lệ tiết kiệm của Trung quốc cũng chỉ mới bắt đầu tăng từ năm 2002. Mặc dù có khác nhau về thời điểm tiết kiệm nhưng nó cũng không cho thấy mối quan hệ nào quan trọng giữa hai chủ thể về vấn đề này.

 

VI. Lựa chọn tối ưu cho việc điều chỉnh tỷ lệ tiết kiệm

Sự mất cân đối về tỷ lệ tiết kiệm trên toàn cầu do rất nhiều lý do. Có vẻ như không hợp lý khi đặt tỷ lệ tiết kiệm với mối quan hệ duy nhất là tỷ giá hối đoái, và có vẻ như là phi thực tế khi chúng ta cố giải quyết những vấn đề mang tính dài hạn chỉ trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, cần phải chấp nhận một tư duy tổng thể và rộng mở hơn trong việc khảo sát (nghiên cứu) sự mất cân đối về tiết kiệm.

Trước hết, cần có đơn thuốc tổng hợp để giải quyết về vấn đề này. Mặc dù Mỹ không thể duy trì mãi một mô hình tăng trưởng của tiêu dùng cao và tiết kiệm thấp, nhưng hiện nay cũng chưa phải thời điểm thích hợp để tăng tỷ lệ tiết kiệm. Mỹ cần phải tạo được sự cân bằng giữa kích cầu tiêu dùng và tăng cường sự hồi phục của nền kinh tế. Mặt khác, các nước Đông Á nên chú trọng mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu nền kinh tế, hệ thống giá cả để làm giảm tỷ lệ tiết kiệm. Tuy vậy, cải tổ về cơ chế tỷ giá là một phần trong đơn thuốc này. Chính phủ Trung quốc đã tập trung vào việc kích cầu nội địa để duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và tiến hành một số điều chỉnh về kinh tế. Gói kích cầu 4 ngàn tỷ Nhân dân tệ, một trong những gói kích cầu lớn nhất thế giới, chủ yếu thuộc về chương trình chi tiêu. Chương trình này tập trung vào phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho những vùng sâu, vùng xa và nhóm người có thu nhập thấp.

Thứ hai, các nước và các tổ chức quốc tế nên tăng cường sự phối hợp và quyết liệt hơn trong việc kiểm soát nguồn vốn quốc tế có tính chất đầu cơ. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các quy định đối với các luồng vốn quốc tế và sự minh bạch. Các tổ chức quốc tế và các nước cần giúp các nước đang phát triển xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đủ mạnh và hệ thống tự bảo vệ trước sự tấn công của sự đầu cơ mang tính cướp bóc. Sự hợp tác quốc tế cần được nâng tầm để cải thiện cơ chế tài trợ. Trong trường hợp các thị trường mới nổi gặp khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán, sự hỗ trợ quốc tế cần được thực hiện nhanh chóng, và các điều kiện giàng buộc cũng nên đuợc giảm bớt đi cho các nước cần được giúp đỡ. Điều này sẽ khuyến khích các nước giảm tiết kiệm bao gồm cả dự trữ ngoại hối và mở rộng nhu cầu trong nước.

Thứ ba, các giải pháp thích đáng cần được sử dụng để thu hút nhiều hơn nữa đầu tư vào các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi bằng các khoản tiết kiệm. Đầu tư bằng tiền tiết kiệm của các nước mới nổi vào vào các nước đã phát triển vừa không hợp lý vừa không phù hợp với mục tiêu tăng tỷ lệ tiết kiệm nội địa của của các nước đã phát triển. Tuy nhiên, cũng không thể hy vọng việc điều chỉnh tỷ lệ tiết kiệm ở các nước Đông Á sẽ có các tác động tức thì. Trong khi đó, tiết kiệm ở các nước sản xuất dầu mỏ có thể vẫn được duy trì ở mức cao cho tới khi giá dầu ngừng giảm. Do đó, sự mất cân đối về tiết kiệm trên toàn cầu sẽ vẫn còn tiếp diễn trong tương lai. Một giải pháp có thể được lựa chọn đó là gián tiếp điều tiết nguồn tiền tiết kiệm để đầu tư vào các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi khác, nơi đang còn có nhiều nguồn lực dôi dư, chi phí lao động thấp, nhưng thiếu vốn. Các nền kinh tế này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Cuối cùng, cuộc cải tổ của hệ thống tiền tệ quốc tế cần được nâng lên một tầm cao mới. Hiện tại, đồng đô la Mỹ đang được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch thương mại và các giao dịch tài chính quốc tế, là đồng tiền dự trữ quan trọng nhất. Theo thống kê của IMF, đến cuối năm 2007 đồng đô la Mỹ chiếm 63,9% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn thế giới. Khi các nước tăng tiết kiệm và nếu các khoản tiền tiết kiệm đó được dự trữ bằng đồng đô la Mỹ, thì các dòng vốn sẽ chắc chắn phải chảy vào nước Mỹ.... Trong ngắn hạn, Mỹ có thể cần thêm nguồn vốn đề đối phó với khủng hoảng tài chính; nhưng trong dài hạn, các dòng vốn lớn không thể mang lại lợi ích tốt nhất trong việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Hơn nữa, việc quá tập trung tài sản ngoại hối vào một đồng tiền có thể mang đến những hậu quả không thể lường trước được. Do đó, bên cạnh việc tăng cường sự phối kết hợp điều hành và hợp lý hoá việc phân bổ nguồn vốn tiết kiệm, cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Cần tăng cường thanh tra giám sát đối với các chính sách kinh tế và tài chính của các nước có đồng tiền dự trữ chủ chốt và gia tăng vị thế của quyền rút vốn đặc biệt (SDR), nhờ đó củng cố hệ thống tài chính quốc tế theo hướng đa dạng hoá trong dài hạn.

 

Mai Hương(vtmhuong@sbv.gov.vn)

Nguồn: Website Ngân hàng Nhân dân Trung quốc

 

On Savings Ratio

 

Zhou Xiaochuan

 

 

 

11812 lượt xem
Việc chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang thẻ chip sẽ mang lại lợi ích trong tương lai
Tổ công tác Nhóm G20 đề xuất 25 kiến nghị để củng cố quy chế an toàn và minh bạch cho hệ thống tài chính toàn cầu
Tình hình thực hiện trả lương qua tài khoản giai đoạn 2 (Phần 2)
Tình hình trả lương qua tài khoản giai đoạn 2 (Phần 1)
Lãi suất vay vàng giảm theo nhu cầu
NHTW Vương quốc Anh thực hiện các biện pháp ưu tiên trong Chiến lược hoạt động cho giai đoạn 2009-2010
Phân tích kỹ thuật không phải là cây đũa thần
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng mạnh: Nguyên nhân và các giải pháp
Quản lý rủi ro và Quy chế giám sát rủi ro hệ thống
© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306