Skip to content
Quỹ tín dụng đào tạo – Ngân hàng Chính sách xã hội: Mở rộng nhưng... thiếu vốn
| Cỡ chữ: A-A+ | Tương phản |
Thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm, Quỹ tín dụng đào tạo đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong công cuộc đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, nguồn vốn này trong những năm qua vẫn chỉ đáp ứng cho đối tượng học sinh nghèo với những điều kiện còn quá khắt khe, dẫn đến nhiều học sinh khó khăn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Cần mở rộng cơ hội...
Được chuyển từ Ngân hàng Công thương (NHCT) Việt Nam về Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tháng 5/2003 với dư nợ bàn giao là 76,370 tỷ đồng, chỉ sau hơn một năm triển khai, dư nợ của Quỹ tín dụng đào tạo đã tăng lên hơn 1
10 tỷ đồng với 52063 hồ sơ vay. Để mở rộng dư nợ nhanh là cả quá trình nỗ lực của tập thể nhân viên các chi nhánh NHCSXH. Điểm đầu tiên ngay sau khi nhận bàn giao, NHCSXH đã tìm hiểu về nhu cầu, mức vay của sinh viên, đề nghị tăng mức vay từ 200.000 lên 300.000 đồng/tháng. Tuy chỉ tăng 100.000 đồng/tháng nhưng đối với sinh viên nghèo thì mức vay mới đã thật sự góp phần trợ giúp học tập. Thay vì cho vay từng đối tượng như NHCT trước đây, NHCSXH đã phối hợp với các trường tuyên truyền quy chế cho vay, tập hợp nhu cầu vay vốn để đáp ứng nhanh chóng và kịp thời. Nhiều trường trước đây ngại có thêm việc lên không mặn mà với việc tuyên truyền lợi ích này cho chính học sinh của mình, nhưng sau đó thấy được lợi ích cho sinh viên mình, họ đã hợp tác rất tích cực. Món vay nhỏ, hồ sơ vay nhiều, khiến ngân hàng nghĩ ngay đến việc cải tiến quy trình cho vay, giải ngân. Thay vì trước đây học sinh, sinh viên tự đến ngân hàng làm hồ sơ vay, nhận tiền, hiện nay với những trường gần, lượng học sinh vay ít, ngân hàng thông báo ngày giải ngân và tổ chức giải ngân tại ngân hàng. Với những trường có vốn vay lớn, ngân hàng xuống tận trường giải ngân để tránh mất thời gian học tập của các em. Thủ tục nhanh gọn, đơn giản như mở rộng thêm đường đến với Quỹ tín dụng đào tạo. Nhiều trường dư nợ tăng lên trông thấy, riêng từ đầu năm đến 30/7/2004, dư nợ tăng thêm là 21,17 tỷ đồng. Nhiều địa phương có dư nợ lớn như Lạng Sơn 1,225 tỷ đồng, Hà Nội 13,54 tỷ đồng, Huế 12,98 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 20,168 tỷ đồng.
Nhiều chi nhánh NHCXXH ở địa phương đã tạo điều kiện cho con em tiếp cận với vốn Quỹ Tín dụng đào tạo nhanh hơn để phục vụ nhu cầu học tập. Điển hình là ở Bình Thuận, thay vì chỉ được cho học sinh học tại địa bàn vay, NHCSXH Bình Thuận đã cho vay đối với những học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh nhưng học tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Theo thống kê của NHCS XH tỉnh Bình Thuận, số trường mà ngân hàng tham gia cho học sinh vay lên tới 33 trường trong đó chỉ có 2 trường nằm trên địa bàn tỉnh. NHCSXH tỉnh Bình Dương cũng cho học sinh của 9 trường vay trong đó chỉ có 2 trường thuộc địa bàn tỉnh. Sự đột phá này xuất phát từ chính nhu cầu của các học sinh có hộ khẩu tại tỉnh cần được giải ngân nhanh thay vì phải chờ đợi lâu hơn ở TP Hồ chí Minh. Việc phá rào này mở ra một cách nhìn mới về đối tượng vay.
Nợ quá hạn Quỹ tín dụng đào tạo hiện nay là 9,18 % tổng dư nợ, trong đó nợ ngắn hạn là 4,9 tỷ, nợ dài hạn là 10,06 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng này hầu hết được chuyển giao từ NHCT với nguyên nhân học sinh ra trường không tìm được địa chỉ chính xác để đòi nợ. Theo kiến nghị của NHCSXH, nên thay đối tượng vay từ học sinh, sinh viên sang đối tượng vay là cha mẹ, người đỡ đầu có con em là học sinh, sinh viên theo học ở các trường. Việc này sẽ tránh được nguyên nhân gây ra tình trạng nợ tồn đọng hiện có chiều hướng gia tăng. Giải thích về vấn đề này, ông Đào Sĩ Hải – Phó Giám đốc Sở Giao dịch I NHCSXH cho biết: Do việc điền hồ sơ không đầy đủ về địa chỉ, nên nhiều học sinh đã ra trường mà ngân hàng không tìm ra địa chỉ để thu nợ. Nếu chuyển đối tượng vay này sang cha mẹ hoặc người đỡ đầu của họ thì gia đình có thể đến làm hồ sơ vay trực tiếp tại NHCSXH nơi cư trú, nhưng học sinh vẫn có thể lấy tiền tại địa điểm gần nhất nơi đang theo học qua các dịch vụ uỷ quyền của NHCSXH và tất nhiên là không phải trả phí cho việc nhận tiền này.
Hiện nay đối tượng được vay quỹ tín dụng đào tạo mới chỉ dành cho học sinh nghèo. Song tiêu chuẩn hộ nghèo lại không có căn cứ, mà chỉ theo xác nhận hộ nghèo của UBND phường xã. Hơn thế nữa đã là học sinh nghèo thì dù ở thành thị hay nông thôn đều giống nhau và rất cần hỗ trợ kinh phí đào tạo. Vì vậy, nếu học sinh nghèo ở KVI chỉ cần điểm trung bình chung 5,0 đã được tham gia vay vốn thì thật không công bằng khi học sinh KV3 lại phải có điểm trung bình chung tới 7,0. Do có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên thường các học sinh còn phải làm thêm để tự trang trải kinh phí học tập nên đạt được điểm trung bình chung 7,0 không phải là dễ. Điều kiện này phải chăng đã làm mất cơ hội vay vốn của học sinh nghèo KV3?! anh Nguyễn Trọng Thắng, sinh viên năm cuối của Đại học Bách khoa cũng như nhiều sinh viên mong muốn có sự thay đổi quy chế này để mở rộng hơn nữa cơ hội cho những học sinh nghèo ham học.
Hơn nữa, sinh viên nghèo chưa tiếp cận được với Quỹ tín dụng đào tạo còn do nhiều nguyên nhân. Nhiều trường ngại làm thêm công việc không công này nên có ý lảng tránh, không mặn mà; công tác tuyên truyền về Quỹ tín dụng đào tạo tại trường hầu như không có. Những năm trước đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và nhiều trường khác có rất ít sinh viên tham gia vay vốn, song từ khi NHCSXH tiếp cận và thuyết phục, số lượng sinh viên vay vốn đã tăng lên đáng kể. Bản thân sinh viên nghèo, nhưng lại mặc cảm hoăc sợ thủ tục rườm rà nên đã bỏ qua cơ hội vay vốn cho chính mình. Trong bảng dư nợ chi tiết của Sở giao dịch 1 NHCSXH, trường có ít học sinh vay nhất lại là Học viện Ngân hàng chỉ có 4 sinh viên vay vốn. Phải chăng Học viện ngân hàng toàn học sinh con nhà giàu, hay do học sinh chưa biết nhiều đến Quỹ Tín dụng đào tạo?
Nhưng... thiếu vốn
Theo bà Hà - Quyền trưởng phòng tín dụng – NHCSXH Việt Nam, nếu mức cho vay tối đa là 95%, Quỹ chỉ còn hơn 40 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chỉ trong năm học này sẽ giải ngân hết. Nếu mở rộng hơn nữa đối tượng cho vay thì nguồn vốn này lại trở nên eo hẹp. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần tìm cho Quỹ thêm nguồn vốn mới. Vốn đó có thể do Chính phủ cấp, Ngân hàng nhà nước cho vay, hoặc có cơ chế bù lãi xuất nếu NHCSXH tự huy động.
Một chính sách đúng, song quy chế hiện hành còn nhiều tách biệt đang là rào cản hiệu quả của Quỹ tín dụng đào tạo. Hy vọng, trong thời gian tới, những vướng mắc này sẽ được tháo gỡ để Quỹ tín dụng đào tạo thực sự góp phần vào công cuộc đào tạo nhân lực của đất nước.

Minh Ngọc

3084 lượt xem
Cán cân thương mại: Tốc độ xuất khẩu tăng mạnh hơn nhập khẩu
BHTG chi nhánh TP Hồ Chí Minh: Cần phối hợp chặt chẽ hơn với các NHNN khu vực
Ngân hàng TP Hồ Chí Minh: Mức tăng trưởng chựng lại là hợp lý!
Hình sự hoá trong quan hệ kinh tế ngân hàng
Kim ngạch thương mại Việt - Trung sẽ vượt 5 tỷ USD trong năm 2004
Techcombank trao học bổng cho sinh viên các trường kinh tế
Sức mạnh từ sự đoàn kết
Ngân hàng Anh tài trợ điền kinh Việt Nam
Cần thơ thu hút đầu tư:Thực hiện “một cửa, một dấu”
Đổi mới cơ chế tín dụng ưu đãi
© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306