Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Ngân hàng Trung ương các nước Đông Nam Á (SEACEN)

I. Tổng quan về SEACEN

Sáng lập và các thành viên: SEACEN do 8 thành viên sáng lập gồm Ngân hàng Trung ương (NHTW)/Cơ quan Quản lý Ttiền tệ (CQQLTT) của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Nê-pan, Phi-líp-pin, Xing-ga-po, Xri Lan-ca và Thái Lan từ năm 1982 với mục tiêu định hướng SEACEN trở thành một Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo hàng đầu trong khu vực. Hiện nay, SEACEN có 19 thành viên, gồm các NHTW/CQQLTT của 10 nước ASEAN và Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mông Cổ, Nê-pan, Pa-pua Niu Ghi-nê, Xri Lan-ca, Trung Quốc. Đồng thời, SEACEN có thêm một số các cộng tác viên, quan sát viên và khách mời tham gia vào các hoạt động của SEACEN.

Cơ cấu tổ chức của SEACEN gồm:

a. Hội đồng Thống đốc SEACEN (BOG) gồmThống đốc của tất cả các NHTW/CQQLTT thành viên - là cơ quan cao nhất của SEACEN, chịu trách nhiệm xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của SEACEN như cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của SEACEN, kết nạp thành viên mới và các vấn đề chiến lược khác của SEACEN. Chủ tịch BOG - theo chu kỳ luân phiên 1 năm/lần, là Thống đốc nước đăng cai tổ chức Hội nghị BOG của năm đó. Năm 2022, Thống đốc NHNN giữ vai trò Chủ tịch BOG bắt đầu từ Hôi nghi BOG năm 2021 diễn ra vào đầu tháng 12/2021.

b. Ban Giám đốc của SEACEN do Thống đốc NHTW Malaysia làm Chủ tịch với hai thành viên là Phó Thống đốc NHTW Ma-lai-xi-a và Giám đốc điều hành SEACEN, chịu trách nhiệm theo dõi về vấn đề tài chính, ngân sách, việc thực hiện các quyết định, kế hoạch hoạt động của SEACEN.

c. Ủy ban điều hành SEACEN (EXCO) – bao gồm các Phó Thống đốc của các NHTW/CQQLTT của các nước thành viên - do Thống đốc của một NHTW thành viên đang giữ chức Chủ tịch BOG làm Chủ tịch, chịu trách nhiệm xem xét và tham mưu cho BOG về các vấn đề chính sách chiến lược; phê duyệt ngân sách hoạt động hàng năm, kế hoạch hoạt động; cơ cấu tổ chức của SEACEN và trình lên BOG cho ý kiến và thông qua.

Trung tâm SEACEN chịu trách nhiệm xây dựng các Kế hoạch chiến lược hoạt động của SEACEN, các chương trình hoạt động hàng năm của SEACEN về nghiên cứu, đào tạo, hội thảo, hội nghị trên cơ sở phối hợp với các thành viên về các trụ cột kiến thức về Quản lý kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ (MMPM), Ổn định tài chính, thanh tra giám sát (FSS), Hệ thống thanh toán (PSS), lãnh đạo và quản lý (LDG), sau đó trình lên EXCO xem xét phê duyệt và trình BOG thông qua.

Quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên SEACEN:

- Quyền lợi: Được quyền cử cán bộ sang làm việc tại SEACEN ở bộ phận nghiên cứu hoặc đào tạo và được quyền tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của SEACEN. Học viên tham dự sẽ được miễn học phí. Các nước thành viên được quyền đăng cai tổ chức các khoá đào tạo của SEACEN. Chi phí tổ chức khoá học sẽ dựa trên nguyên tắc chia sẻ giữa SEACEN, NHTW nước chủ nhà và các học viên tham dự;

- Nghĩa vụ: Mỗi thành viên chính thức đóng góp kinh phí cho hoạt động của SEACEN trên nguyên tắc chia sẻ đồng đều chi phí, thanh toán sau khi SEACEN hoàn thành sổ sách kế toán được kiểm toán, sau khi kết thúc năm hoạt động.

II. Tình hình hợp tác giữa NHNN và SEACEN

Hàng năm, Lãnh đạo NHNN sẽ tham dự các Hội nghị thường niên của BOG (diễn ra vào tháng 12), Hội nghị EXCO (diễn ra vào tháng 9), Hội nghị Phó Thống đốc phụ trách ổn định tài chính - thanh tra giám sát (diễn ra vào tháng 8); và đại diện NHNN tham dự các hội nghị cấp giám đốc về các mảng kiến thức cũng như các diễn đàn bên lề khác của SEACEN. Bên cạnh việc thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động của SEACEN, tại các hội nghị này, các lãnh đạo sẽ trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và thế giới.

Theo cơ chế luân phiên giữa các thành viên SEACEN, năm 2022, NHNN đảm nhận vai trò Chủ tịch SEACEN bắt đầu Hội nghị Hội đồng Thống đốc SEACEN (BOG). Theo đó, với vai trò Chủ tịch SEACEN năm 2022, NHNN có trách nhiệm đăng cai tổ chức Hội nghị BOG lần thứ 41 và Hội thảo cấp cao bên lề vào tháng 12/2021 và Hội nghị Ủy ban Điều hành của SEACEN và Hội thảo cấp cao bên lề vào tháng 9/2022:

(i)Hội nghị BOG và Hội thảo cấp cao bên lề: diễn ra từ ngày 6-7/12/2021 theo hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp. Đây là các sự kiện thường niên của SEACEN được tổ chức nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên SEACEN và trao đổi các vấn đề thời sự mà các bên cùng quan tâm. Việc NHNN lần đầu tiên đảm nhận vị trí Chủ tịch SEACEN theo cơ chế luân phiên từ khi gia nhập SEACEN đến nay thể hiện thiện chí của Việt Nam và nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. Tại Hội nghị BOG, các Thống đốc NHTW với tư cách là thành viên của SEACEN đã tiến hành rà soát và phê duyệt các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, hội nghị, ngân sách trong năm hoạt động 2022, trao đổi các vấn đề mang tính chiến lược trung hạn của SEACEN do EXCO đệ trình lên BOG. Tại Hội thảo cấp cao bên lề Hội nghị BOG với chủ đề “Chuyển đổi số ngành ngân hàng trong bối cảnh bình thường mới, vai trò của NHTW”.các Thống đốc SEACEN và các nhà lãnh đạo của một số tổ chức quốc tế và NHTW trên thế giới đã thảo luận về các vấn đề chính sách của NHTW, các kinh nghiệm và biện pháp nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh và phương hướng phát triển hậu Covid;

(ii)Hội nghị EXCO lần thứ 21 của SEACEN và Hội thảo cấp cao SEACEN–BIS từ ngày 15–16/09/2022 tại Đà Nẵng. Các Phó Thống đốc của các NHTW SEACEN đã trao đổi và phê duyệt Kế hoạch chiến lược của Trung tâm SEACEN trong năm 2020–2022 và một số vấn đề SEACEN trình lên EXCO để phê duyệt liên quan tới các hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực đã thực hiện trong năm 2022 và định hướng năm 2023, các hoạt động và ngân sách đề xuất cho năm tài chính 2023, các vấn đề quản trị như đối tác chiến lược, tuyển dụng Giám đốc điều hành mới của SEACEN… Tại Hội thảo, đại diện NHTW và các diễn giả từ các tô chức tài chính quốc tế đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu, dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 cũng như đưa ra một số các khuyến nghị trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với các diễn biến mới, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao và bất ổn địa chính trị trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo: Tính từ năm 2011 đến nay, NHNN đã cử 775 lượt cán bộ tham dự các khóa bồi dưỡng, hội thảo ngắn hạn, hội nghị của SEACEN ở nước ngoài và Việt Nam về các vấn đề liên quan đến 04 lĩnh vực hoạt động chính của Ngân hàng Trung ương (cũng là các trụ cột đào tạo của SECEAN): Kinh tế vĩ mô và quản lý chính sách tiền tệ (MMPM), Thanh tra, giám sát ngân hàng, ổn định tài chính (FSS), Hệ thống thanh, quyết toán (PSS), Lãnh đạo, quản lý, quản trị NHTW (L&G) do đội ngũ chuyên gia quốc tế, chuyên gia của các NHTW phát triển trong khu vực và quốc tế có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu giảng dạy. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 - 2022, SEACEN đã triển khai các chương trình đào tạo theo hình thức trực tuyến, theo đó, NHNN đã cử gần 450 cán bộ tham dự các khóa học trực tuyến của SEACEN;

Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu: Đến nay, NHNN đã cử hơn 30 cán bộ tham dự các dự án nghiên cứu của SEACEN với tư cách thành viên, như dự án nghiên cứu về “Cơ chế định giá và nguyên nhân gây ra lạm phát”, “Phân tích rủi ro lan truyền liên ngân hàng, xuyên biên giới”, “Chính sách an toàn vĩ mô”, “Nợ của hộ gia đình”, “Thanh khoản toàn cầu”, “Tăng cường tiếp cận hệ thống tài chính”, “Xây dựng cơ chế xác định mức an toàn vốn phòng ngừa các rủi ro”, “Tài chính thế chấp và tín dụng tiêu dung”, “Khuôn khổ phân tích trong việc đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng thị trường tài chính”, “Quản trị rủi ro nhằm ổn định tài chính”. Trong năm 2021, NHNN đã cử 02 cán bộ tham gia dự án nghiên cứu của SEACEN về chủ đề Phát triển Khung năng lực lãnh đạo các NHTW thành viên SEACEN. Việc tham gia các chương trình đào tạo và dự án nghiên cứu là cơ hội tốt để cán bộ NHNN tiếp cận và nâng cao các kiến thức mới và là cơ hội được trao đổi, học hỏi trong môi trường quốc tế.

Quỹ Tín thác SEACEN (STF): STF được thành lập vào tháng 01/1988 nhằm cấp học bổng (hiện tại trị giá 2.200 USD/suất) cho cán bộ nước thành viên SEACEN có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD tham gia vào các hoạt động đào tạo của Trung tâm SEACEN. Nguồn vốn của STF được đóng góp bởi các thành viên SEACEN ngay tại thời điểm gia nhập SEACEN, với mức đóng góp là 5.000 USD. Về phía Việt Nam, NHNN chỉ được nhận học bổng STF từ khi gia nhập SEACEN đến hết năm 2014. Theo cơ chế luân phiên, Thống đốc NHNN là thành viên Hội đồng Tín thác của STF lần thứ 1 với nhiệm kỳ 3 năm từ tháng 01/2015-01/2018, lần thứ 2 với nhiệm kỳ 3 năm từ tháng 1/2021-1/2024 để quyết định các vấn đề liên quan đến Quỹ Tín thác của STF trước khi thông báo cho toàn bộ thành viên của STF.

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306