Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Tổng quan về Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Quan hệ hợp tác Việt Nam - IMF

1. Tổng quan về IMF

1.1. Thông tin chung

- Năm thành lập: 1944.

- Trụ sở: Washington D.C., Hoa Kỳ.

- Số lượng hội viên: 190.

- Tổng Giám đốc: bà Kristalina Georgieva, quốc tịch Bulgaria (từ năm 2019).

- Mục tiêu: Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế - hệ thống tỷ giá và hệ thống thanh toán, cho phép các quốc gia và công dân của mình giao dịch với nhau và với công dân của nước khác.

- Chức năng: Giám sát diễn biến kinh tế và tài chính các quốc gia, các khu vực và toàn cầu cũng như chính sách quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ của các nước; tư vấn cho các nước hội viên trong việc hoạch định các chính sách để đảm bảo ổn định kinh tế, kiểm soát rủi ro tài chính và kinh tế cũng như nâng cao mức sống người dân; cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên gặp khó khăn trong cán cân thanh toán; hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý kinh tế vĩ mô cho các nước thành viên thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện năng lực thống kê, phân tích và dự báo kinh tế, đào tạo cho cán bộ của các quốc gia thành viên giúp các quốc gia cải thiện công tác quản lý kinh tế .

Ngày nay, khi sự hội nhập, liên kết kinh tế, tài chính tiền tệ toàn cầu ngày càng chặt chẽ kèm theo đó là những rủi ro, bất ổn gia tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu, mọi diễn biến chính trị, xã hội gần như tác động ngay lập tức tới hoạt động kinh tế và thị trường tài chính thế giới, IMF cũng tiến hành theo dõi, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị, xây dựng chính sách trong những lĩnh vực như ổn định hệ thống tài chính, hỗ trợ thương mại quốc tế, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, cân bằng, toàn diện, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới…

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới, cùng với đó là quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (còn gọi là Fintech), tại Hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2018, IMF đã xác định vai trò của mình trong lĩnh vực Fintech là tập trung đánh giá tác động của Fintech tới chu chuyển vốn qua biên giới, ổn định tài chính quốc gia và quốc tế, và sự biến đổi của hệ thống tiền tệ và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Trước sự phát triển mạnh mẽ của tiền/tài sản ảo/kỹ thuật số trên cơ sở ứng dụng công nghệ blockchain trên nền tảng sổ cái phân tán, IMF tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế khác, các quốc gia hội viên trong việc xác định khuôn khổ quản lý, thanh tra giám sát có liên quan và xây dựng đồng tiền kỹ thuật số của NHTW (CBDC).

1.2. Cơ cấu tổ chức

- Hội đồng Thống đốc (Board of Governors): Là cơ cấu ra quyết định cao nhất trong IMF, bao gồm Thống đốc và Thống đốc phụ khuyết của tất cả 190 hội viên. Hội đồng Thống đốc thường nhóm họp mỗi năm 01 lần. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đang là Thống đốc và Thống đốc phụ khuyết của Việt Nam tại IMF.

- Ban Giám đốc điều hành (Executive Board): Chịu trách nhiệm điều hành hoạt động hàng ngày của IMF, gồm 24 giám đốc điều hành; đứng đầu là Tổng Giám đốc, cũng đồng thời là Chủ tọa Ban Giám đốc điều hành. Ban Giám đốc điều hành thường nhóm họp vài lần mỗi tuần trên cơ sở các nghiên cứu do các cán bộ của IMF thực hiện.

- Các cán bộ cấp cao của Quỹ: Gồm Tổng Giám đốc, 04 Phó Tổng Giám đốc, Vụ trưởng các Vụ chức năng, khu vực, Viện trưởng Viện Tăng cường Năng lực, Trưởng Đại diện IMF bên Liên Hợp Quốc.

1.3. Giải pháp hỗ trợ của IMF trong ứng phó với khủng hoảng COVID-19

- Hỗ trợ tài chính khẩn cấp: IMF ban hành Thể thức Tín dụng nhanh (RCF) và Công cụ Tài trợ nhanh (RFI) nhằm hỗ trợ các nước hội viên gặp khó khăn về cán cân thanh toán do những bất ổn, điểm yếu trong nền kinh tế, các cú sốc từ bên ngoài và tác động của thảm họa thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu tài trợ ứng phó với COVID-19. Trong đó, RCF là thể thức hỗ trợ tài chính ưu đãi cho các nước hội viên thu nhập thấp với lãi suất 0%, kỳ hạn 10 năm và thời gian ân hạn là 5,5 năm. RFI là thể thức hỗ trợ các nước hội viên IMF khác không thuộc diện cho vay theo RCF; lãi suất gồm 02 cấu phần: (i) lãi suất thị trường Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cộng với một khoảng biên độ (hiện tại là 1%), và (ii) một khoản phụ phí được tính trên cơ sở dư nợ chậm trả và thời gian chậm thanh toán dư nợ chậm trả; kỳ hạn vay 3,25 – 5 năm. Đến ngày 9/3/2022, đã có 90 nước đang phát triển tiếp cận các thể thức hỗ trợ tài chính khẩn cấp của IMF với tổng giá trị khoảng 170,6 tỉ đô la.

- Tư vấn chính sách: Tháng 10/2020, IMF đề ra khuôn khổ chính sách tích hợp (IPF) với việc kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ với chính sách quản lý dòng vốn và chính sách an toàn vĩ mô trong giai đoạn khủng hoảng. IMF khởi động tiến trình rà soát khuôn khổ IPF vào đầu năm 2021 với mục đích đảm bảo các chính sách được thực thi phù hợp và không nhắm tới tạo lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của các đoàn đánh giá định kỳ, IMF phối hợp với chính phủ các nước tiến hành phân tích, đánh giá tác động của khủng hoảng COVID-19 tới các khu vực kinh tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách liên quan cho các chính phủ. .

- Giảm nhẹ gánh nặng nợ cho các nước thu nhập thấp: thông qua Quỹ Tín thác Ngăn chặn và Giảm nhẹ Thảm họa (CCRT), IMF đã giúp giảm nghĩa vụ trả nợ cho 31 nước thu nhập thấp với tổng giá trị 965,29 triệu đô la (đến ngày 9/3/2022). Bên cạnh đó, IMF cũng phối hợp với WB đưa ra Sáng kiến Hoãn trả nợ có thời hạn cho các nước thu nhập thấp (DSSI) với sự tham gia của các chủ nợ song phương chính thức trong Câu lạc bộ Paris. Sáng kiến DSSI đã được đưa vào khuôn khổ chính sách ứng phó với khủng hoảng COVID-19 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20.

- Phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR): Trong khuôn khổ Tiến trình tài chính G20 năm 2020, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc NHTW G20 đã kêu gọi IMF thực hiện phân bổ SDR như một cách hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng như đã thực hiện năm 2009, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Được sự ủng hộ của các nước thành viên, tại Hội nghị Mùa xuân năm 2021 tháng 4/2021, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) đã đề xuất IMF thực hiện phân bổ SDR với tổng giá trị khoảng 456 tỉ SDR (khoảng 650 tỉ đô la) để giúp đáp ứng nhu cầu dài hạn của các nước về bổ sung dự trữ ngoại hối, với tỷ lệ phân bổ tương đương 95,85% tỷ lệ góp vốn.

- Nhóm Đặc trách về Vắc-xin COVID-19: Tháng 6/2021, IMF đã phối hợp với WB, WHO và WTO thành lập Nhóm Đặc trách về Vắc-xin, thiết bị điều trị, xét nghiệm COVID-19 nhằm thực hiện các mục tiêu: (i) đảm bảo tới cuối năm 2021, ít nhất 40% dân số và 6 tháng đầu năm 2022, ít nhất 70% dân số được tiêm chủng tại tất cả các nước, (ii) theo dõi và giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, và (iii) đảm bảo cung cấp đủ bộ test, thiết bị chẩn đoán và điều trị COVID-19, đồng thời đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế công tại những nơi diện bao phủ vắc-xin còn thấp. Tại cuộc họp thứ nhất của Nhóm Đặc trách vào ngày 30/6/2021, Nhóm đã kêu gọi các nước G20 tăng cường chia sẻ vắc-xin COVID-19 với các nước đang phát triển, đảm bảo chia sẻ ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin trong năm 2021; cung cấp tài chính, bao gồm cả các khoản viện trợ và cho vay ưu đãi để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tự chủ sản xuất vắc-xin, thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị COVID-19 của các nước đang phát triển; và loại bỏ mọi rào cản đối với hoạt động xuất khẩu nguyên liệu vắc-xin cũng như vắc-xin thành phẩm, loại bỏ mọi rào cản đối với hoạt động của chuỗi cung ứng. Sau 01 năm triển khai hoạt động, về cơ bản Nhóm Đặc trách đã đạt được các mục tiêu đề ra.

1.4. Giải pháp của IMF nhằm ứng phó với những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu

- Quỹ Tín thác Tự cường và Bền vững (Resilience and Sustainability Trust - RST): Được IMF thông qua vào ngày 13/4/2022, có hiệu lực từ ngày 1/5/2022, nhằm hỗ trợ các nước nâng cao khả năng chống đỡ trước các cú sốc và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần đảm bảo ổn định cán cân thanh toán trong dài hạn. RST bổ sung cho các công cụ cho vay của IMF bằng cách tập trung vào những thách thức dài hạn và mang tính cơ cấu như biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh... vốn tạo ra rủi ro lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Hạn mức cho vay được giới hạn ở mức dưới 150% quota hoặc 1 tỉ SDR, kỳ hạn cho vay là 20 năm với 10,5 năm ân hạn; lãi suất cho vay biến động trong biên độ hẹp quanh lãi suất SDR kỳ hạn 03 tháng. IMF xem xét cho vay trên cơ sở đánh giá các chính sách cải cách và bền vững nợ. Ước tính khoảng 3/4 hội viên của IMF đủ điều kiện tiếp cận các khoản vay của RST.

- Cơ chế cho vay ứng phó với cú sốc lương thực (food shock window - FSW): Được IMF thông qua vào ngày 30/9/2022 nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho những nước gặp khó khăn về cán cân thanh toán do khủng hoảng/cú sốc lương thực toàn cầu. Cơ chế này là một cấu phần trong các thể thức hỗ trợ tài chính khẩn cấp của IMF (RCF, RFI). Hạn mức vay căn cứ nhu cầu tài trợ cán cân thanh toán thực tế và tối đa 50% quota, kỳ hạn vay là 01 năm. IMF đang tiến hành rà soát hạn mức vay, dự kiến kết thúc vào tháng 6/2023.

2. Quan hệ Việt Nam- IMF

2.1. Cổ phần và quyền bỏ phiếu

Cổ phần của Việt Nam tại IMF là 1,153 tỉ SDR, chiếm 0,24% tổng vốn cổ phần. Trên cơ sở đó, Việt Nam được 12.990 phiếu, chiếm 0,26% tổng quyền bỏ phiếu.

2.2. Đại diện của Việt Nam tại IMF

Việt Nam Cộng hòagia nhập IMF vào ngày 21/9/1956. Từ năm 1976, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức kế thừa vị trí hội viên IMF của Việt Nam Cộng hòa. Việt Nam thuộc nhóm Đông Nam Á trong IMF, gồm 13 nước: Brunei, Campuchia, Fiji, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Singapore, Thái Lan, Tonga, Việt Nam và Philippines.

Theo Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 1990 của Hội đồng Nhà nước, NHNN là đại diện cho Chính phủ tại các tổ chức tiền tệ, tín dụng và ngân hàng quốc tế (khoản 10, điều 3). Tiếp đó, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 1997 và 2010 cũng quy định NHNN là cơ quan đại diện cho Chính phủ tại các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.Trên cơ sở đó, NHNN là đại diện cho Chính phủ Việt Nam tại IMF.

2.3. Quan hệ Việt Nam - IMF

Trong giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam 3 khoản vay với tổng vốn 473 triệu SDR (tương đương với 653,3 triệu USD).Từ tháng 4/2004 đến nay, giữa hai bên không còn chương trình vay vốn. Tính tới thời điểm 31/12/2012, Việt Nam đã thanh toán hết các khoản nợ trước đây cho IMF.

Hiện nay, quan hệ Việt Nam - IMF tiếp tục trên nhiều lĩnh vực như giám sát kinh tế vĩ mô, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Cụ thể:

- Giám sát kinh tế vĩ mô: Hàng năm theo định kỳ, IMF thực hiện các đợt đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thông qua 2 Đoàn công tác: Đoàn Điều IV (thực hiện vào Quý 2) và Đoàn đánh giá giữa kỳ (Đoàn cán bộ, thực hiện vào Quý 3 hoặc Quý 4) để nghiên cứu cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam để đưa ra các tư vấn, đánh giá, đề xuất về chính sách vĩ mô trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, cải cách DNNN…

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, IMF không tổ chức các Đoàn công tác đánh giá định kỳ sang Việt Nam như các năm trước, thay vào đó, là tiếp xúc, thảo luận với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học... theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra, Đoàn Điều IV cũng xây dựng các kịch bản tăng trưởng và thực hiện các nghiên cứu chuyên đề về tác động của đại dịch COVID-19 tới một số lĩnh vực, khu vực kinh tế để từ đó đưa ra các khuyến nghị, tư vấn chính sách liên quan cho Chính phủ và các cơ quan quản lý của Việt Nam. Kể từ khi nổ ra khủng hoảng COVID-19, Đoàn Điều IV đã 03 lần thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, Đoàn cũng tích cực thực hiện các nghiên cứu chuyên đề về tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động thương mại, khu vực doanh nghiệp, khu vực hộ gia đình, v.v...

Năm 2022, IMF khôi phục các Đoàn đánh giá định kỳ trực tiếp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Đoàn Điều IV tiếp tục thực hiện các báo cáo nghiên cứu, đánh giá tác động của những bất ổn kinh tế toàn cầu tới kinh tế trong nước cũng như các vấn đề có tính thời sự khác và đưa ra các khuyến nghị chính sách liên quan cho Chính phủ và các cơ quan quản lý.

- Hỗ trợ kỹ thuật: Từ 1994 - 2022, IMF đã cung cấp hơn 200 đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam về các nội dung đa dạng về tài chính công, nghiệp vụ ngân hàng trung ương, thống kê, phòng chống rửa tiền… Năm 2022, ngoài một số hỗ trợ kỹ thuật bị hoãn dưới ảnh hưởng dịch COVID, đa số các dự án hỗ trợ kỹ thuật vẫn được tiếp tục dưới hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp. Ngoài ra, IMF cũng thường xuyên tổ chức đối thoại tư vấn chính sách và thông tin cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

- Đào tạo:Hàng năm, IMF cung cấp học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và tài trợ cho cán bộ của NHNN và các Bộ, ngành liên quan tham dự các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn về các chủ đề chính sách và kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thống kê… tại các Viện đào tạo khu vực của IMF tại Singapore, Mỹ; các Văn phòng khu vưc của IMF như Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (OAP), Văn phòng Tăng cường Năng lực tại Thái Lan (CDOT)…; và các nước thành viên được lựa chọn. Từ năm 1993 đến tháng 11/2022, IMF đã đào tạo khoảng hơn 1880 lượt cán bộ của Việt Nam trong các lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, kinh tế, tài chính, ngân hàng...

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306