Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Thông tin về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và Quan hệ hợp tác Việt Nam – AIIB

(cập nhật đến tháng 11/2022)

1. Giới thiệu về AIIB

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) là một ngân hàng phát triển đa phương được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 01/2016 với 57 thành viên sáng lập. AIIB có trụ sở đặt tại Bắc-Kinh, Trung Quốc.

1.1. Mục tiêu

Mục tiêu của Ngân hàng là: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy thịnh vượng và đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng tại Châu Á thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực sản xuất hiệu quả khác; (ii) Đẩy mạnh hợp tác và tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực nhằm giải quyết các thách thức phát triển thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phát triển song phương và đa phương.

1.2. Chức năng

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Ngân hàng có các chức năng sau đây: (i) thúc đẩy việc đầu tư nguồn vốn công và nguồn vốn tư nhân vào khu vực vì các mục đích phát triển, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực hiệu quả khác; (ii) sử dụng các nguồn lực sẵn có để tài trợ cho những phát triển nói trên trong phạm vi khu vực, bao gồm các dự án và chương trình đóng góp hiệu quả nhất cho sự tăng trưởng kinh tế hài hòa của toàn khu vực và dành sự ưu tiên đặc biệt cho nhu cầu của các thành viên kém phát triển hơn trong khu vực; (iii) khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án, doanh nghiệp và các hoạt động góp phần vào phát triển kinh tế của khu vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực hiệu quả khác, và bổ sung vào đầu tư tư nhân khi nguồn vốn tư nhân không có sẵn theo các điều khoản, điều kiện hợp lý; và (iv) thực hiện các hoạt động khác và cung cấp các dịch vụ khác phù hợp với các chức năng của Ngân hàng.

1.3. Hình thức hoạt động và Đối tượng nhận tài trợ từ AIIB

Hình thức hoạt động: Ngân hàng tập trung chủ yếu vào các hoạt động tài trợ dự án hoặc chương trình đầu tư có bảo lãnh hoặc không có bảo lãnh Chính phủ, đầu tư cổ phần và cung cấp bảo lãnh. Ngoài ra, Ngân hàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các hình thức hỗ trợ khác phù hợp với mục tiêu và chức năng của Ngân hàng. Ngân hàng có thể thành lập và quản lý các quỹ tín thác cho các bên khác với điều kiện các quỹ tín thác này phục vụ mục tiêu và phù hợp với chức năng của Ngân hàng, tuân theo Khuôn khổ quỹ tín thác do Hội đồng Thống đốc phê duyệt.

Đối tượng nhận tài trợ từ AIIB: Đối tượng nhận tài trợ từ AIIB bao gồm các quốc gia thành viên; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc lãnh thổ của các quốc gia thành viên; các tổ chức quốc tế và khu vực liên quan đến phát triển kinh tế châu Á và châu Úc. Ngân hàng cũng có thể được ủy quyền cấp vốn cho các đối tượng nằm ngoài khu vực nhưng vẫn góp phần thúc đẩy phát triển khu vực.

1.4. Thành viên

AIIB xác định Thành viên khu vực là các thành viên có lãnh thổ thuộc vùng địa lý châu Á và châu Úc theo quy định của Liên hiệp quốc. Tại thời điểm thành lập, AIIB có 57 thành viên sáng lập, trong đó bao gồm 37 thành viên khu vực và 20 thành viên ngoài khu vực. Đến nay, AIIB có 105 thành viên, trong đó có 51 thành viên khu vực và 54 thành viên ngoài khu vực.

1.5. Vốn điều lệ và Phân bổ vốn

Vốn điều lệ của AIIB là 100 tỷ USD, chia thành 1 triệu cổ phiếu có mệnh giá là 100.000 USD/cổ phiếu. Vốn điều lệ của AIIB gồm hai phần: vốn gọi chiếm 80% và vốn thực góp chiếm 20% (tương đương với 20 tỷ USD). Vốn thực góp được các nước đóng góp trong vòng 5 năm. Ngân hàng được tăng vốn điều lệ khi có quyết định của Hội đồng Thống đốc.

Tỷ lệ phân bổ vốn tối thiểu cho Nhóm nước khu vực là 75% vốn điều lệ, trừ khi có quyết định khác của Hội đồng Thông đốc. Việc tính toán phân bổ mức vốn góp cho từng thành viên trong/ngoài khu vực dựa trên tỷ lệ phần trăm GDP tương ứng của nước đó trên tổng GDP của Nhóm nước trong khu vực/ngoài khu vực.

Tính đến tháng 11/2022, vốn phân bổ cho các nước thành viên là 97 tỷ USD. Một số nước có mức đóng góp vốn cổ phần cao gồm: Trung Quốc (30,7% vốn phân bổ, tương đương 26,6% tổng quyền bỏ phiếu); Ấn Độ (8,6% vốn phân bổ, tương đương 7,6% tổng quyền bỏ phiếu); Nga (6,7% vốn phân bổ, tương đương 6% tổng quyền bỏ phiếu). Vốn góp của Việt Nam tại AIIB chiếm 0,68% vốn phân bổ, tương đương 0,77% tổng quyền bỏ phiếu.

1.6. Quản trị điều hành

AIIB có ba cấp quản trị bao gồm Hội đồng Thống đốc, Ban Giám đốc, và Ban Lãnh đạo, cụ thể:

Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) là cơ quan quyền lực nhất của AIIB, bao gồm các Thống đốc đại diện cho tất cả các nước thành viên. Hội đồng Thống đốc sẽ quyết định các vấn đề quan trọng, bao gồm vấn đề liên quan đến quyền hội viên, Điều lệ Hoạt động, vốn điều lệ, bầu/bãi nhiệm/miễn nhiệm Chủ tịch và Ban Giám đốc… Hội đồng Thống đốc họp hàng năm và ủy quyền cho Ban Giám đốc quyết định các vấn đề mang tính chuyên môn của Ngân hàng.

Ban Giám đốc (Board of Directors) gồm 12 thành viên đại diện cho 12 Nhóm nước (bao gồm 09 Thành viên khu vực và 03 Thành viên ngoài khu vực). Ban Giám đốc được Hội đồng Thống đốc ủy quyền xây dựng định hướng hoạt động chung của Ngân hàng, cụ thể: Xây dựng các khung chính sách, chiến lược cho hoạt động Ngân hàng; Giám sát hoạt động của Ngân hàng; Phê duyệt các khoản vay. Khác với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ban Giám đốc của AIIB không làm việc tại Trụ sở chính, trừ khi có quyết định khác bởi Hội đồng Thống đốc. Ban Giám đốc sẽ họp thường xuyên để đưa ra quyết định, khi cần thiết có thể tổ chức các cuộc họp trực tuyến.

Ban Lãnh đạo (Management) gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, được lựa chọn theo qui trình mở, minh bạch và dựa trên năng lực. Ban Lãnh đạo chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Ngân hàng, thực hiện các quyền do Ban Giám đốc ủy quyền và chịu sự giám sát của Ban Giám đốc. Chủ tịch Ngân hàng là người đứng đầu Ban Lãnh đạo, do Hội đồng Thống đốc bầu chọn, phải là công dân của thành viên khu vực và có thể giữ chức vụ trong tối đa hai (2) nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ kéo dài năm (5) năm. Hiện nay, chức vụ này do là ông Kim Lập Quần, quốc tịch Trung Quốc, đảm nhiệm (ông đã đảm nhiệm vị trí này trong nhiệm kỳ 5 năm từ tháng 01/2016-01/2021 và tái đắc cử Chủ tịch nhiệm kỳ 01/2021-01/2026).

1.7. Các văn bản chính sách của AIIB

AIIB hoạt động theo thông lệ của một tổ chức tài chính quốc tế, theo đó, Điều lệ Hoạt động (Articles of Agreement) là văn bản pháp lý cao nhất của Ngân hàng đã được các nước thành viên thảo luận và thống nhất trên cơ sở tham chiếu những quy định, thông lệ tốt nhất tại các tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là WB và ADB.

Trong 5 năm đầu tiên, AIIB đã cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản chiến lược, chính sách, hướng dẫn… định hướng cho hoạt động của Ngân hàng. Ban Giám đốc AIIB đã phê duyệt 08 chính sách đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác nhau như giao thông, năng lượng, nước, đô thị, cổ phần, kỹ thuật số, huy động nguồn vốn tư nhân…

Vào tháng 9/2020, Ban Giám đốc AIIB đã phê duyệt Chiến lược Phát triển Tổ chức giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định tầm nhìn, sứ mệnh, và định hướng chiến lược cho AIIB trong 10 năm tới. Theo đó, tầm nhìn dài hạn của AIIB đến năm 2030 là thúc đẩy thịnh vượng ở châu Á trên cơ sở phát triển kinh tế bền vững và hợp tác khu vực. Mục tiêu của AIIB là Tài trợ Cơ sở hạ tầng Tương lai, bao gồm cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng đối với phát triển bền vững và toàn diện (về kinh tế, tài chính, xã hội, và môi trường) và bám sát 04 ưu tiên trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, kết nối và hợp tác khu vực, cơ sở hạ tầng công nghệ, và huy động nguồn vốn tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng

Tham khảo Điều lệ Hoạt động (tiếng Anh) trên trang thông tin điện tử chính thức của AIIB https://www.aiib.org/en/about-aiib/basic-documents/articles-of-agreement/index.html

Tham khảo các văn bản chính sách, chiến lược, và hướng dẫn của AIIB trên trang thông tin điện tử chính thức của AIIB https://www.aiib.org/en/index.html

1.8. Một số kết quả hoạt động nổi bật của AIIB trong thời gian qua

Xếp hạng tín nhiệm: Sau 5 năm chính thức đi vào hoạt động, AIIB đã có xếp hạng tín nhiệm tương đương với các tổ chức tài chính quốc tế khác như WB, ADB; cụ thể S&P Global xếp hạng AIIB ở mức AAA/A-1+; Moody’s Investors Service ở mức Aaa/P-1; và Fitch Ratings ở mức AAA/F1+. Ngày 10/10/2017, AIIB cũng được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đánh giá có hệ số rủi ro bằng 0% (zero percent risk weight). Trong tháng 9/2018, AIIB đã được hưởng quy chế quan sát viên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Giai đoạn 2020 – 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng do xung đột Nga - Ucraina, AIIB vẫn bảo toàn được mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất như nêu trên.

Tài trợ dự án: Tính đến hết Quý III/2022, AIIB đã phê duyệt tài trợ 190 dự án tại 33 quốc gia với tổng mức đầu tư khoảng 36,4 tỷ USD, trong đó các dự án bảo lãnh Chính phủ chiếm 64%. Ba lĩnh vực đầu tư chiếm tỉ trọng vốn lớn nhất là năng lượng (20,4%), giao thông (19,4%) và nước sạch (19,4%). Các quốc gia vay vốn nhiều nhất lần lượt là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, và Băng-la-đét.

Thành lập Thể thức Phục hồi Khủng hoảng do Covid-19: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan trên diện rộng, tháng 4/2020, AIIB đã thiết lập Thể thức Phục hồi Khủng hoảng do Covid-19 (CRF) nhằm hỗ trợ các nước thành viên giảm thiểu tác động bất lợi và khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch. Quy mô, lĩnh vực và thời hạn tài trợ của CRF đã liên tục được Ngân hàng điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các nước thành viên (quy mô tăng từ 10 tỷ USD ban đầu lên 20 tỷ USD, lĩnh vực tài trợ mở rộng sang lĩnh vực sản xuất/phân phối vắc-xin ngừa Covid-19, thời hạn ban đầu là tháng 10/2021 được kéo dài đến hết năm 2023). Tính đến tháng 11/2022, CRF đã tài trợ 53 dự án trị giá gần 12,3 tỷ USD, hỗ trợ cho 26 quốc gia thành viên. Tỉ lệ giải ngân cho các dự án trong khuôn khổ CRF đạt 82,6%, cao gấp 2,2 lần so với các dự án thông thường (tỉ lệ giải ngân chỉ 37%)1.

2. Quan hệ hợp tác Việt Nam – AIIB

2.1. Việt Nam tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập

Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập AIIB, tham gia AIIB ngay từ giai đoạn đầu khi sáng kiến này mới được khởi xướng. Ngày 24/10/2014, Việt Nam đã cùng với 20 nước khu vực châu Á tham gia ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập AIIB. Vào ngày 29/06/2015, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tham gia ký kết Điều lệ Hoạt động (AOA) của AIIB cùng với đại diện của 49 nước thành viên sáng lập tiềm năng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Việt Nam đã hoàn tất các nghĩa vụ và chính thức trở thành thành viên sáng lập của AIIB vào ngày 11/04/2016.

Việc tham gia AIIB ngay từ giai đoạn đầu với tư cách thành viên sáng lập tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia vào tiến trình xây dựng luật chơi cho một tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói của Việt Nam. Việt Nam đã cùng với các thành viên sáng lập tham gia chủ động, tích cực vào quá trình xây dựng các chính sách, đảm bảo Ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.

2.2. Hoạt động tài trợ của AIIB tại Việt Nam

Tháng 7/2020, Ban Giám đốc AIIB đã phê duyệt khoản vay đầu tiên của AIIB tại Việt Nam. Đây là khoản vay tư nhân không có bảo lãnh Chính phủ, bên vay là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Khoản vay AIIB có giá trị 100 triệu USD, đồng tài trợ với khoản vay 100 triệu USD của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), thời hạn 1 năm, trong khuôn khổ Thể thức Phục hồi Khủng hoảng do Covid-19. Mục đích khoản vay là Hỗ trợ hoạt động tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động của VPBank cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tháng 11/2021, Ban Giám đốc AIIB đã phê duyệt khoản vay thứ hai dành cho Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrink (thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam); khoản vay trị giá 95 triệu USD (47,5 triệu USD từ AIIB và 47,5 triệu USD từ Natixis) theo hình thức A/B, có nghĩa là sự tham gia của AIIB là điều kiện để Natixis tham gia đồng tài trợ. Mục tiêu của khoản vay là Tái cấp vốn cho dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy Thủy điện Đakđrink (Công suất 125MW, được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi) nhằm tái cơ cấu một số khoản nợ của chủ đầu tư, bổ sung nguồn vốn thanh toán cho các nhà thầu thi công, giúp làm giảm trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ đối với dự án.

2.3. Mức góp vốn và quyền bỏ phiếu

Tính đến tháng 11/2022: Mức góp vốn của Việt Nam chiếm 0,68% vốn phân bổ tại AIIB, tương đương với 0,77% tổng quyền bỏ phiếu của Ngân hàng.

2.4. Vai trò của Việt Nam trong cơ cấu quản trị của AIIB

Đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Thống đốc AIIB: NHNN là cơ quan đại diện cho Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam tại AIIB. Kể từ khi được bổ nhiệm làm Thống đốc NHNN vào tháng 11/2020, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đảm nhiệm vị trí Thống đốc đại diện cho Việt Nam tại Hội đồng Thống đốc AIIB. Từ ngày 08/12/2021, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà được cử đảm nhiệm vị trí Thống đốc Phụ khuyết đại diện cho Việt Nam tại Hội đồng Thống đốc AIIB.

Đại diện của Việt Nam tại Ban Giám đốc AIIB: Từ khi gia nhập AIIB, Việt Nam cùng với Niu Di-lân và Xing-ga-po tham gia Nhóm nước do Úc đứng đầu (Úc là thành viên có quyền bỏ phiếu cao nhất). Tháng 6/2020, Nhóm kết nạp thêm 01 thành viên là Quần đảo Cook. Tổng quyền bỏ phiếu của Nhóm chiếm 5,34% tổng quyền bỏ phiếu của Ngân hàng.

Cơ chế phân bổ vị trí Giám đốc Nhóm nước đã được thống nhất ngay từ thời điểm thành lập Nhóm, theo đó, trong 20 năm kể từ khi thành lập, vị trí Giám đốc sẽ do Úc đảm nhiệm trong cho 06 nhiệm kỳ, Việt Nam đảm nhiệm 02 nhiệm kỳ, Niu Di-lân và Xing-pa-po mỗi nước đảm nhiệm 01 nhiệm kỳ.

NHNN vừa hoàn thành vị trí Giám đốc Nhóm nước nhiệm kỳ tháng 7/2020 – 6/2022. Đối với nhiệm kỳ hiện tại (tháng 7/2022 – 6/2024), Úc đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhóm, Xing-ga-po đảm nhiệm vị trí Giám đốc phụ khuyết, Việt Nam và Niu Di-lân đảm nhiệm vị trí Cố vấn của Giám đốc Nhóm.

*1 Tỉ lệ giải ngân = Tổng vốn đã giải ngân/(Giá trị các khoản vay đã ký kết – Giá trị các khoản vay bị hủy)

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306