Skip to content
Cỡ chữ: A-A+

Ổn định tài chính là gì?

Việc định nghĩa được ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công cụ phân tích thích hợp cũng như các chính sách điều hành an toàn vĩ mô. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới, có rất nhiều định nghĩa về ổn định tài chính, ví dụ:

Ổn định hệ thống tài chính nghĩa là một hệ thống tài chính mà trong đó các chủ thể - trung gian tài chính, thị trường tài chính và hạ tầng tài chính thực hiện tốt các chức năng của mình và có khả năng chống đỡ được các cú sốc tiềm ẩn (Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ).

Ổn định tài chính là khả năng vận hành tốt các chức năng chính của hệ thống tài chính, kể cả trong thời kỳ kinh tế căng thẳng và thời kỳ điều chỉnh cơ cấu nhằm giúp phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực và rủi ro tài chính cũng như tạo nền tảng hạ tầng tài chính hiệu quả (Ngân hàng Trung ương Đức).

Ổn định hệ thống tài chính là 1 trạng thái mà trong đó các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính phân bổ tốt các luồng vốn giữa tiết kiệm và đầu tư, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ngân hàng Trung ương Úc).

Ổn định tài chính hàm ý việc xác định rủi ro trong hệ thống tài chính và hành động để giảm thiểu chúng (Ngân hàng Trung ương Anh).

Ổn định tài chính là một trạng thái trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư(Ngân hàng Trung ương Châu Âu).

Qua tổng kết quan điểm của một số NHTW trên thế giới, có thể thấy rằng mặc dù hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức cho thuật ngữ “Ổn định tài chính”, tuy nhiên thuật ngữ này có thể bao gồm nội hàm sau:

Thứ nhất, các yếu tố chính của hệ thống tài chính (thị trường tài chính, các định chế tài chính, hạ tầng tài chính) thực hiện các chức năng của nó “thông suốt” góp phần phân bổ có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế.

Thứ hai, rủi ro cấp độ hệ thống cần được đánh giá chính xác và quản lý hiệu quả để tránh khả năng sụp đổ hệ thống tài chính.

Thứ ba, để đảm bảo mục tiêu duy trì ổn định của cả hệ thống tài chính đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia; và trong phần lớn các mô hình tổ chức hệ thống giám sát tài chính, NHTW là cơ quan có chức năng chủ đạo trong việc thực hiện chức năng ổn định tài chính.

Sự cần thiết phải ổn định hệ thống tài chính

Ổn định tài chính không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá cả (mục tiêu chính của NHTW) mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững vì sự ổn định đó tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho cả nhà đầu tư và người gửi tiền, tăng hiệu quả của hoạt động trung gian tài chính, tăng các chức năng của các thị trường tài chính và cải thiện phân phối nguồn lực để phát triển hệ thống tài chính lành mạnh và minh bạch, giảm đi các cú sốc và rủi ro hệ thống. Một hệ thống tài chính ổn định là hệ thống hoạt động lành mạnh, tin cậy và hiệu quả, ít biến động và có khả năng hấp thụ các cú sốc. Ngược lại mất ổn định tài chính kéo theo những tình trạng như: (i) giảm tính hiệu quả của chính sách tiền tệ; (ii) làm suy yếu chức năng trung gian của hệ thống tài chính do phân phối nguồn lực không hợp lý, làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế; (iii)làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính; (iv) mất nhiều chi phí để giải quyết sự yếu kém của hệ thống tài chính.Vì những lý do này, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến ổn định tài chính khi thực thi các chính sách của mình, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các nhân tố mới có khả năng gây bất ổn tài chính như mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa khu vực tài chính của các quốc gia và sự phát triển không ngừng của các công cụ tài chính phức tạp.

Tại sao NHTW nên đóng vai trò chủ đạo trong việc ổn định hệ thống tài chính?

Giữ vững ổn định tài chính là vai trò của đa số NHTW. Khi hệ thống tài chính trở nên bất ổn, ví dụ như thị trường tài chính biến động và căng thẳng, cần phải cung cấp một lượng tiền lớn để giải quyết tình trạng đó. Lịch sử cho thấy NHTW đã thực hiện tốt chức năng duy trì ổn định tài chính vì NHTW có khả năng ngay lập tức “bơm” một lượng thanh khoản lớn do được độc quyềnphát hành tiền.

Ổn định tài chính tăng cường tính hiệu quả cho chính sách tiền tệ của NHTW. Hệ thống tài chính cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết để NHTW điều hành chính sách tiền tệ. Hệ thống tài chính cũng là kênh truyền tải chính sách tiền tệ chủ yếu đến nền kinh tế thực. Sự bất ổn của hệ thống tài chính có thể ảnh hưởng đến mức độ hữu dụng của các thông tin sử dụng trong điều hành chính sách tiền tệ (bao gồm các biến số giá cả và diễn biến giao dịch trên thị trường tài chính), qua đó, làm giảm hiệu quả chính sách. Chính vì lẽ đó, NHTW rất chú trọng ổn định tài chính để tăng cường tính hiệu quả của chính sách tiền tệ.

NHTW có lợi thế trong việc phân tích sự ổn định của hệ thống tài chính. Các nhân tố gây sốc và cơ chế truyền dẫn sốc ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn do mức độ liên thông giữa thị trường tài chính trong nước và quốc tế cũng như mức độ liên kết giữa thị trường tài chính và các tổ chức tài chính không ngừng được mở rộng dưới tác động của tiến trình tự do hóa tài chính và toàn cầu hóa. Trước thực tế này, việc phân tích sự ổn định từng tổ chức tài chính hay từng thị trường tài chính một cách riêng lẻ là chưa đủ mà cần phải đánh giá sự ổn định của hệ thống tài chính một cách tổng thể, kết hợp với việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. NHTW có thể đáp ứng tốt yêu cầu này vì NHTW có lợi thế trong việc phân tích ổn định hệ thống tài chính. Phân tích vĩ mô tổng thể hệ thống tài chính chính là nền tảng trọng yếu để đảm bảo ổn định tài chính.

NHTW duy trì ổn định tài chính thông qua hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ. Ổn định tài chính không thể đảm bảo nếu các giao dịch thanh toán giữa các chủ thể kinh tế không được thực hiện thông suốt. Nếu một chủ thể không thể thanh toán kịp thời thì có thể khiến cho cả hệ thống thanh toán bị gián đoạn hoặc ngưng trệ, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động của cả hệ thống tài chính. Chính vì lẽ đó, NHTW duy trì ổn định tài chính thông qua việc vận hành và giám sát hiệu quả các hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ.

Mối liên kết giữa Ổn định hệ thống tài chính và Ổn định giá cả

C:\odtc.png

Nguồn: Tổng hợp từ NHTW Indonesia, IMF và các nguồn khác.

© Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Địa chỉ : Số 49 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà NộiThường trực Ban biên tập : (84 - 243) 266.9435Email : thuongtrucweb@sbv.gov.vnRSS
Chung nhan Tin Nhiem Mang Số điện thoại tổng đài Ngân hàng Nhà nước: (84 - 243) 936.6306