Trong đầu tháng 7/2025, Ủy ban châu Âu công bố mục tiêu khí hậu mới cho năm 2040, trong đó đề xuất giảm 90% lượng khí nhà kính ròng so với mức năm 1990. Lần đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất cho phép các nước thành viên sử dụng một phần tín chỉ carbon quốc tế để đạt mục tiêu cắt giảm phát thải đến năm 2040. Động thái này phản ánh nỗ lực cân bằng giữa tham vọng khí hậu và áp lực cạnh tranh kinh tế trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Khí hậu - Kinh tế: Cân bằng mong manh
Trong đầu tháng 7/2025, Ủy ban châu Âu vừa công bố mục tiêu khí hậu mới cho năm 2040, trong đó đề xuất giảm 90% lượng khí nhà kính ròng so với mức năm 1990. Đây là mục tiêu có ràng buộc pháp lý, nhằm đảm bảo EU duy trì lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điểm mới của kế hoạch lần này là lần đầu tiên, EU cho phép các nước sử dụng tín chỉ carbon từ những dự án giảm phát thải tại các quốc gia đang phát triển để đáp ứng một phần nghĩa vụ cắt giảm của mình.
Theo đề xuất, tối đa 3 điểm phần trăm trong mục tiêu năm 2040 có thể được bù đắp bằng tín chỉ carbon quốc tế, được mua thông qua thị trường do Liên Hợp quốc bảo trợ. Các tín chỉ này sẽ được bắt đầu sử dụng từ năm 2036. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ trình luật vào năm tới, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng và quy định bên mua để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả môi trường.
Đề xuất được đưa ra sau khi nhận được sự phản đối từ nhiều chính phủ, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Cộng hòa Séc, do lo ngại tác động tới ngành công nghiệp trong nước. Theo họ, mục tiêu cắt giảm mạnh mẽ này có thể làm gia tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp EU trên thị trường toàn cầu.
Áp lực từ thực tiễn và kỳ vọng toàn cầu
Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên Khí hậu EU, khẳng định mục tiêu mới được xây dựng trong bối cảnh địa chính trị “vô cùng khó khăn”, song vẫn đảm bảo tính chắc chắn cho đầu tư dài hạn của ngành công nghiệp, đồng thời bảo vệ người dân khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh: “Đây là vấn đề kinh tế, an ninh và địa chính trị. Chúng ta cần kiên định với con đường khí hậu đã chọn”.
Trong khi đó, phản ứng từ các quốc gia thành viên khá khác biệt. Phần Lan bày tỏ sự ủng hộ mục tiêu giảm 90%, coi đây là bước tiến cần thiết. Ngược lại, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan, ông Adam Szlapka, chỉ trích mục tiêu này là “hoàn toàn phi thực tế”, cho rằng điều châu Âu cần hiện nay là các biện pháp hỗ trợ năng lực cạnh tranh và tạo động lực tăng trưởng, thay vì áp đặt nghĩa vụ cắt giảm nghiêm ngặt.
Châu Âu hiện là lục địa ấm lên nhanh nhất thế giới và đợt nắng nóng cực đoan tuần qua đã gây ra nhiều vụ cháy rừng và gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội trên diện rộng. Dù vậy, các chính sách khí hậu đầy tham vọng của EU cũng khiến nhiều ngành công nghiệp lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu áp lực từ thuế quan của Mỹ và giá năng lượng tăng cao.
Tín chỉ carbon - Lối thoát hay rào cản?
Hình 1: Lượng khí thải nhà kính ròng hàng năm của EU (tỷ tấn CO2 tương đương)
Nguồn: Cơ quan Môi trường châu Âu (European Environment Agency)
Theo Bộ trưởng Môi trường và Bảo vệ Khí hậu của Đức Carsten Schneider, mục tiêu khí hậu năm 2040 là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nền kinh tế lớn, có thể thúc đẩy Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và nhiều nước khác cùng hành động. Tuy nhiên, các cố vấn khoa học khí hậu của EU đã phản đối việc sử dụng tín chỉ carbon quốc tế, cho rằng điều này có thể làm chệch hướng các khoản đầu tư cần thiết để cắt giảm phát thải thực sự trong nước, nhất là khi một số tín chỉ trước đây không mang lại lợi ích môi trường như cam kết.
Hiện nay, tín chỉ carbon quốc tế thường được tạo ra từ các dự án phục hồi rừng, bảo tồn sinh thái hoặc các chương trình giảm phát thải CO2 tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời tạo nguồn vốn hỗ trợ các sáng kiến bền vững. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào các tín chỉ này cũng tiềm ẩn rủi ro về tính minh bạch, chất lượng và khả năng giám sát thực tế.
Ủy ban châu Âu sẽ phải đệ trình mục tiêu khí hậu cho năm 2035 lên Liên Hợp quốc trước giữa tháng 9/2025 và mục tiêu này sẽ được xây dựng dựa trên kế hoạch 2040 vừa công bố.
Việc EU lần đầu mở đường cho tín chỉ carbon quốc tế phản ánh nỗ lực cân bằng giữa tham vọng khí hậu và thực tế kinh tế. Dù còn tranh cãi, đây có thể là giải pháp linh hoạt giúp khối duy trì vai trò dẫn dắt toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho các ngành công nghiệp trong nước.
Hữu Quân (Theo Reuters)