Ngày 30/6/2025 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Quyết định số 2589/QĐ-NHNN).
Mục tiêu của Kế hoạch này là tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của NHNN được giao tại Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW.
Đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể, tạo đột phá theo 6 trụ cột (thể chế, hạ tầng, dữ liệu, nền tảng, nhân lực và tài chính) để các đơn vị thuộc NHNN tổ chức triển khai chuyển đổi số một cách nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, lấy việc bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong NHNN nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính vận hành thông suốt, liên thông, hiệu quả, phục vụ tốt nhât người dân và doanh nghiệp, tạo nên tảng vững chắc cho quản trị quốc gia hiện đại và phát triển bền vững.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của ngành Ngân hàng được đề ra tại Kế hoạch là:
Giai đoạn 1: Cấp bách từ ngày ban hành Kế hoạch đến ngày 30/6/2025
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ: Rà soát, đánh giá hiệu quả việc triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) để có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả; Đẩy mạnh kết nối, liên thông dữ liệu, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của các lãnh đạo và các cấp chính quyền bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, đáp ứng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát triển nguồn lực: Tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số theo hướng thực chiến, tập trung vào kỹ năng vận hành các hệ thống cụ thể và xử lý quy trình nghiệp vụ mới, phân loại đối tượng.
Giai đoạn 2: Đột phá từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025
Về hoàn thiện thể chế và kiến trúc: Rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật chuyên ngành để công nhận đầy đủ giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử.
Về dữ liệu: Làm sạch, cập nhật dữ liệu tổ chức đảng, đảng viên vào cơ sở dữ liệu về tổ chức đảng, đảng viên; Làm sạch, cập nhật dữ liệu cán bộ công chức vào cơ sở dữ liệu về cán bộ công chức; Nghiên cứu cơ chế chuyển giao dịch vụ công, đảm nhận các dịch vụ công của NHNN cho các tổ chức xã hội thực hiện; Rà soát, cầu trúc lại các thủ tục hành chính chuyển từ thủ công trên giấy sang môi trường điện tử.
Về các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động trong các cơ quan hệ thống chính trị: Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, phục vụ tái sử dụng thông tin, dữ liệu; Rà soát, đánh giá về quy trình, nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính của NHNN đủ điều kiện toàn trình có thành phần hồ sơ được thay thế bằng dữ liệu để bảo đảm cung cấp thực chất, hiệu quả; Rà soát, đánh giá, nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với các thủ tục hành chính của NHNN sau khi rà soát về quy trình nghiệp vụ để bảo đảm cung cấp thực chất, hiệu quả.
Về tài chính: Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng vận hành hệ thống mới cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về bảo đảm toàn, an ninh thông tin: Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc bảo đảm an toàn thông tin, thuật, an ninh mạng cho các hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu, ứng dụng triển khai tại ngành Ngân hàng.
Xây dựng phương án dự phòng, kịch bản ứng phó khi các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bị lỗi, bị tấn công, bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp không bị gián đoạn, an toàn.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác như: Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; chế độ thông tin, báo cáo; công tác tổng kết, đánh giá và khen thưởng, kỷ luật cũng được cụ thể hóa trong Kế hoạch.
TK