Ngày 11/7/2025, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Thương mại Pakistan do ông Jam Kamal Khan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan làm Trưởng đoàn.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chia sẻ, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Pakistan đang tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều mặt. Đặc biệt, hai nước còn rất nhiều dư địa trong hợp tác kinh tế - thương mại. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế khởi sắc, hợp tác ngân hàng giữa hai bên đã khẳng định vai trò quan trọng, cung cấp kênh thanh toán, chuyển tiền thông suốt, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho thương mại và đầu tư song phương.
Phó Thống đốc cũng đánh giá cao việc NHNN Việt Nam và NHNN Pakistan cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác từ năm 2004, tập trung vào hai lĩnh vực trao đổi thông tin pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực. Trong khuôn khổ hợp tác đó, thời gian qua, NHNN Việt Nam đã cử một số lượt cán bộ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn do NHNN Pakistan tổ chức liên quan đến nghiệp vụ NHTW, thanh tra giám sát ngân hàng.
Trao đổi thông tin về số hóa ngành Ngân hàng trong thời gian gần đây, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng vui mừng chia sẻ, tại Việt Nam, thanh toán trên các kênh số tăng trưởng đều qua các năm cả về số lượng và giá trị giao dịch. Hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam hiện có tài khoản ngân hàng, người dân có thể dùng điện thoại để sử dụng hầu hết dịch vụ ngân hàng. Một số nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia áp dụng sinh trắc học trong dịch vụ ngân hàng. Điều này cho thấy sự phát triển về số hóa của ngành Ngân hàng Việt Nam đang rất mạnh mẽ.
Ông Jam Kamal Khan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan phát biểu tại buổi làm việc
Trong lĩnh vực in tiền, Việt Nam đã chính thức phát hành tiền polymer từ năm 2003 với 6 mệnh giá từ 10.000 VND đến 500.000 VND và hiện đã trở thành 1 trong 03 quốc gia trên thế giới sở hữu nhà máy sản xuất giấy nền polymer. Việc sản xuất được giấy nền trong nước đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác in ấn, sản xuất tiền mặt của Nhà máy in tiền quốc gia. Tiền polymer của Việt Nam được đánh giá cao về độ bền, tính thẩm mỹ, khả năng chống giả, hiệu quả sử dụng và thân thiện với môi trường. Nhà máy in tiền quốc gia hiện có công suất 2,07 tỷ hình/năm. Dự kiến vào năm 2026, Nhà máy in tiền quốc gia cơ sở mới sẽ được khánh thành nâng công suất lên 3,64 tỷ hình/năm vào năm 2026 và 4,47 tỷ hình/năm vào năm 2028.
Tuy vậy, trong bối cảnh ký kết Bản ghi nhớ giữa NHNN Việt Nam và NHNN Pakistan ký năm 2004, phạm vi hợp tác mới chỉ gói gọn các hoạt động trao đổi thông tin pháp lý và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Do đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, NHNN hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng phạm vi, cập nhật các nội dung hợp tác tại Bản ghi nhớ cho phù hợp với tình hình mới, những mối quan tâm chung, phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi bên.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trân trọng những chia sẻ của Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, ông Jam Kamal Khan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pakistan đã được đặt nền móng từ Biên bản ghi nhớ được ký kết vào năm 2004. Trải qua 21 năm, bối cảnh tài chính quốc tế đã có nhiều thay đổi đáng kể, mở ra những cơ hội mới. Do đó, cả hai bên đều mong muốn chứng kiến những khởi sắc trong hợp tác tài chính và thương mại ở giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam và Pakistan đang hướng tới tăng cường thương mại hai chiều và hợp tác tài chính, đây là hai lĩnh vực được cả hai quốc gia đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, Ngân hàng Trung ương đóng vai trò là cơ quan chủ quản điều phối chính sách tiền tệ, đặc biệt là lĩnh vực in tiền và quá trình số hóa của Ngành. Đây là một bước tiến quan trọng tạo tiền đề cho những hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước.
Đoàn NHNN Việt Nam và Đoàn công tác của Bộ Thương mại Pakistan chụp ảnh lưu niệm
Hiện nay, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ với sự thay đổi cơ chế hóa đáng kể, điển hình là việc sử dụng mã QR, thanh toán không dung tiền mặt giúp doanh nghiệp và người dân giao dịch thuận tiện hơn. Song ông Jam Kamal Khan cho biết, tại Pakistan, với quy mô dân số khoảng 250 triệu người, cũng đang có nhu cầu lớn về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, hiện tại Pakistan vẫn còn sử dụng tiền cũ và mong muốn chuyển sang các phương thức thanh toán mới có tính bảo mật, an ninh, an toàn và hiện đại hơn. Đây là cơ hội tuyệt vời để Pakistan học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam, một quốc gia đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, tại Pakistan, các ngân hàng đang đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ người dân giảm bớt gánh nặng tài chính. Đặc biệt, nhiều ngân hàng Pakistan có chi nhánh tại các quốc gia Hồi giáo lớn. Đây là một cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là tiềm năng mở rộng các dịch vụ tài chính giữa Việt Nam và Pakistan. việc ký kết biên bản hợp tác Bộ Công Thương và xây dựng khung chương trình hợp tác FTA (Hiệp định thương mại tự do) sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và tài chính to lớn cho cả hai quốc gia… Sau chuyến công tác này, các hoạt động như đoàn thăm quan và cuộc họp trực tuyến giữa hai nước sẽ được tổ chức là những bước đi thiết thực để tạo cơ hội hợp tác để chuyển giao kinh nghiệm”, ông Jam Kamal Khan kỳ vọng.
Đoàn công tác của Bộ Thương mại Pakistan thăm quan và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia
Nhân dịp này đại diện NHNN và Đoàn công tác của Bộ Thương mại Pakistan do ông Jam Kamal Khan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pakistan làm Trưởng đoàn thăm tham quan, khảo sát dự án Nhà máy in tiền quốc gia được mở rộng, hiện đại hóa để giới thiệu trực tiếp về trang thiết bị, công nghệ hiện đại mà Việt Nam đang đầu tư và sử dụng.
Hương Giang - Hoàng Giáp