Trong bối cảnh chi phí vận hành tăng cao, áp lực chuyển đổi số và cạnh tranh nhân sự ngày càng gay gắt, hoạt động mua lại và sáp nhập (Mergers and Acquisitions - M&A) đang trở thành chiến lược quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực, mở rộng thị phần và củng cố vị thế trên thị trường. Đây không chỉ là giải pháp tăng trưởng nhanh mà còn là hướng đi bền vững trong dài hạn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Lợi ích thiết thực của M&A
Để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp buộc phải đạt được quy mô phù hợp, không phải để làm loãng giá trị riêng có mà để phát huy tối đa thế mạnh vốn có. M&A chính là con đường giúp đẩy nhanh đổi mới, mở rộng thị phần, tăng cường tiềm lực tài chính và củng cố các thế mạnh cốt lõi. Đây không chỉ là câu chuyện “lớn hơn” mà quan trọng là “tốt hơn”.
Trên thực tế, M&A mang lại nhiều giá trị mà tăng trưởng hữu cơ phải mất rất nhiều năm mới đạt được. Thông qua sáp nhập hoặc mua lại, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận các tập khách hàng mới, sở hữu công nghệ tiên tiến, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao - những yếu tố cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường thay đổi không ngừng.
Khách hàng ngày nay đòi hỏi được phục vụ bởi các đối tác có thể cung cấp giải pháp toàn diện hơn, từ hạn mức tín dụng lớn hơn, phạm vi phục vụ rộng khắp hơn, đến các công cụ số hóa phù hợp với tốc độ phát triển của họ. Bên cạnh đó, việc hợp nhất còn tạo ra hiệu quả quy mô, tối ưu chi phí vận hành, giải phóng nguồn lực để tái đầu tư cho các mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Điều quan trọng nhưng dễ bị bỏ quên trong các thương vụ M&A chính là yếu tố con người. Khi hai tổ chức hợp nhất dựa trên nền tảng giá trị chung, kết quả không chỉ là một doanh nghiệp lớn hơn mà còn là một hệ sinh thái rộng mở cho ý tưởng, nghề nghiệp và dịch vụ phát triển. Khách hàng sẽ được hưởng lợi nhờ danh mục sản phẩm, dịch vụ đa dạng hơn mà vẫn giữ được mối quan hệ tin cậy vốn có. Đồng thời, nhân viên có thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp trong môi trường mới nhiều tiềm năng hơn. Yếu tố then chốt quyết định sự thành công của mọi thương vụ chính là sự hòa hợp về văn hóa và tầm nhìn giữa hai bên.
Thực trạng M&A trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và Việt Nam
Trên thế giới, M&A không còn là chiến lược riêng của các tập đoàn lớn mà đang dần trở thành lựa chọn thiết thực cho nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau. Điều này thể hiện rõ qua hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Trên thế giới, ConnectOne đã hoàn tất sáp nhập với The First of Long Island Corporation vào đầu tháng 6/2025. Thương vụ không chỉ nhằm gia tăng quy mô mà còn thể hiện sự chủ động đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong môi trường kinh doanh đầy biến động, M&A đã vượt ra khỏi phạm vi của các tập đoàn thuộc Fortune 500 (danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ do Tạp chí Fortune xếp hạng theo doanh thu) để trở thành chiến lược tăng trưởng phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng diễn ra sôi động, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống. Các thương vụ này không chỉ giúp ngân hàng nâng cao tiềm lực tài chính mà còn góp phần củng cố sự ổn định và phát triển bền vững của toàn Ngành.
Bảng 1. Thực trạng M&A trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam
Nguồn: Hà Thị Đan Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Liên và Bùi Văn Viễn (2025)
Hoạt động M&A trong ngành ngân hàng Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn đáng chú ý. Từ 2011 đến 2015, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tập trung tái cấu trúc hệ thống để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và củng cố sự ổn định tài chính. Giai đoạn 2024 - 2025 ghi nhận xu hướng chuyển giao bắt buộc, khi NHNN yêu cầu các ngân hàng lớn tiếp nhận tổ chức tín dụng không đảm bảo an toàn, nhằm bảo vệ hệ thống chung. Bước sang năm 2025, hoạt động mua bán cổ phần trở nên sôi động, với sự góp mặt ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, phản ánh sức hút của ngành Ngân hàng Việt Nam đối với khu vực và toàn cầu.
Xu hướng M&A trong thời gian tới
Nhìn về phía trước, không phải doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện M&A, nhưng việc đánh giá nghiêm túc chiến lược này sẽ giúp xác định con đường tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong bối cảnh kinh tế liên tục biến động. Quy mô có vai trò quan trọng, nhưng văn hóa doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt giúp duy trì sự gắn bó của khách hàng và nhân sự. Trong kịch bản tốt nhất, quy mô sẽ trở thành nền tảng để văn hóa doanh nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao thương hiệu và năng lực cạnh tranh.
Dù khó dự đoán chính xác diễn biến kinh tế trong quý tới, một điều chắc chắn là: Những doanh nghiệp biết đầu tư vào năng lực, con người và giá trị cho khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn nhiều thách thức, sẽ luôn là những doanh nghiệp mạnh mẽ nhất. M&A không phải là cách né tránh khó khăn, mà là phương thức để doanh nghiệp chủ động đón đầu và vượt qua thách thức bằng sự tự tin, năng lực và tầm nhìn rõ ràng.
Tài liệu tham khảo
1. Hà Thị Đan Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Liên & Bùi Văn Viễn (2025). Hoạt động sáp nhập và mua lại trong ngành ngân hàng tại Việt Nam: Xu hướng và động lực chính. Tạp chí Quản lý Nhà nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/10/hoat-dong-sap-nhap-va-mua-lai-trong-nganh-ngan-hang-tai-viet-nam-xu-huong-va-dong-luc-chinh/
2. Chan Ding, E. (2025). New survey reveals how longevity confidence differs across generations of high net worth individuals. Forbes BrandVoice. https://www.forbes.com/sites/manulife-singapore/2025/06/24/new-survey-reveals-how-longevity-confidence-differs-across-generations-of-high-net-worth-individuals/
Bảo Ly