Ngày 17/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)Phạm Tiến Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng BNP Paribas. Cùng dự buổi làm việc của Phó Thống đốc có đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan như Cục Quản lý ngoại hối, Cục An toàn hệ thống Tổ chức tín dụng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Vụ Hợp tác quốc tế.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Đoàn công tác của Ngân hàng BNP Paribas gồm ông Peter Chen – Giám đốc điều hành, Phụ trách các định chế công khu vực Châu Á Thái Bình Dương kiêm phụ trách định chế tài chính khu vực Đông Nam Á, ông Lim Tho Kin – Giám đốc cấp cao Phụ trách ngân hàng thương mại khu vực Đông Nam Á và bà Loan Phạm – Tổng Giám đốc BNP Paribas chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tổng Giám đốc phụ trách BNP Paribas tại Việt Nam…
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cùng Đoàn công tác của Ngân hàng BNP Paribas đã dành phần lớn thời lượng làm việc, tập trung để trao đổi về một số vấn đề có ý nghĩa lớn, gắn chặt với các nhiệm vụ trước mắt của NHNN nói riêng và Ngành ngân hàng Việt Nam nói chung như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực ngân hàng,thành lập và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, xây dựng hệ thống phân loại tài chính xanh/tài chính bền vững. Đồng thời, hai bên cũng thảo luận về định hướng quan hệ hợp tác giữa NHNN và Ngân hàng BNP Paribas trong thời gian tới.
Ông Peter Chen – Giám đốc điều hành, Phụ trách các định chế công khu vực Châu Á Thái Bình Dương kiêm phụ trách định chế tài chính khu vực Đông Nam Á phát biểu tại buổi làm việc
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Thống đốc cho biết NHNN đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chủ trì xây dựng Nghị định quy định về cấp phép thành lập và hoạt động ngân hàng, quản lý ngoại hối trong khuôn khổ Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam theo hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, ngân hàng… có năng lực tài chính tốt tham gia thị trường nhằm góp phần thúc đẩy luân chuyển vốn, tạo sự liên kết trực tiếp và gián tiếp giữa Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam với dòng vốn từ các Trung tâm tài chính quốc tế lớn, tạo nguồn lực hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bà Loan Phạm (ngồi thứ 2 từ trái sang) – Tổng Giám đốc BNP Paribas chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh kiêm Tổng Giám đốc phụ trách BNP Paribas tại Việt Nam
Từ góc nhìn kinh nghiệm cá nhân và thực tiễn hoạt động của tổ chức, Giám đốc điều hành Ngân hàng BNP Paribas cùng các thành viên trong Đoàn công tác đã trình bày tóm tắt về những thông lệ và xu thế chủ đạo trong định hướng thành lập và phát triển trung tâm tài chính. Theo đó xây dựng mô hình trung tâm tài chínhcần xác định rõ những thế mạnh đặc thù của nền kinh tế để từ đó hình thành chiến lược, định hình chính sách (bao gồm cả chính sách về cấp phép hoạt động ngân hàng tại trung tâm tài chính) để có thể thu hút hiệu quả đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên tham gia, giúp phát huy tối đa lợi thế so sánh trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng chính sách của NHNN, không chỉ về trung tâm tài chính quốc tế mà còn liên quan đến nhiều nội dung quan trọng, mang tính thời sự, có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của khu vực ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam như ứng dụng AI trong lĩnh vực ngân hàng, xây dựng và áp dụng phân loại tài chính xanh, tài chính bền vững…, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị Ngân hàng BNP Paribas tiếp tục tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin, cung cấp ý kiến chuyên gia, góp phần hỗ trợ NHNN hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các vấn đề này.
Ghi nhận và đánh giá cao vai trò tích cực của Ngân hàng BNP Paribas trong suốt hơn 30 năm hiện diện tại Việt Nam từ thời kỳ cải cách, mở cửa cho đến nay góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư, cung cấp dịch vụ ngân hàng chất lượng cao cho khu vực doanh nghiệp, tài trợ thương mại, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế quốc gia, Phó Thống Phạm Tiến Dũng khẳng định NHNN luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng hoạt động hiệu quả, bình đẳng với các định chế ngân hàng-tài chính trong nước cũng như quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật, thế mạnh, nguồn lực và khả năng đáp ứng của các bên.
Hương Giang – Hoàng Giáp