Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với GDP 6 tháng đầu năm 2025 dự báo tăng 7,3%, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm. Dù triển vọng tích cực, nền kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi phối hợp linh hoạt chính sách vĩ mô để duy trì xung lực phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025: Đà phục hồi mạnh nhưng thách thức còn lớn
Năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng GDP đạt 7,09%, nhờ xuất khẩu ổn định, dòng vốn FDI bền vững và chính sách hỗ trợ hiệu quả. Đà phục hồi này tiếp tục trong quý I/2025, với mức tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát tốt, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai đạt mức kỷ lục 6,6% GDP (IMF, 2025).
Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV cho biết, ước tính khả năng tăng trưởng GDP của nước ta trong quý II/2025 có thể đạt khoảng 7,6% so với cùng kỳ, tương ứng GDP 6 tháng đầu năm 2025 dự báo tăng khoảng 7,3%. Trong đó cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự báo tăng khoảng 3,2%; thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký trên 20 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 12 tỷ USD (Hồng Nhung, 2025). Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, ngày 03/7/2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý II/2025 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2 - 0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra.
Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6% trong năm 2025 và 6,3% năm 2026; riêng quý II/2025 và quý III/2025, tăng trưởng GDP ước đạt 6,1% và 5,8%. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng đưa ra cảnh báo về đà tăng trưởng chậm lại do suy giảm đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, dưới tác động của chính sách toàn cầu có nhiều biến động. OECD dự báo GDP Việt Nam đạt 6% năm 2025. Dù đối mặt một số thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực trong giai đoạn 2025 - 2026, với tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế còn nhiều rủi ro khó đoán định, theo khuyến nghị của ông Paulo Medas - Trưởng phái đoàn IMF khi làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong khuôn khổ tham vấn Điều IV từ ngày 11/6/2025 đến ngày 24/6/2025, chính sách cần ưu tiên duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, đồng thời linh hoạt trong điều chỉnh kinh tế. Chính sách tài khóa, còn dư địa hỗ trợ nhờ mức nợ công thấp, cần đóng vai trò chủ đạo trong việc giảm thiểu tác động ngắn hạn, đặc biệt trong các kịch bản bất lợi. Việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội sẽ có ý nghĩa quan trọng.
“Chính sách tiền tệ hiện có dư địa rất hạn chế và cần tập trung quyết liệt vào việc giữ vững kỳ vọng lạm phát. Việc cho phép tỷ giá linh hoạt là rất cần thiết để nền kinh tế thích ứng với các cú sốc từ bên ngoài. Một số biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể được xem xét nếu lãi suất toàn cầu giảm như dự báo và lạm phát giảm. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng hành động nếu xuất hiện áp lực lạm phát, bao gồm cả từ các cú sốc bên ngoài. Những thách thức này cho thấy tầm quan trọng của việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ nhằm nâng cao hiệu quả và giữ vững ổn định, trong đó bao gồm việc thay thế hạn mức tăng trưởng tín dụng bằng một khung khổ an toàn vĩ mô được cải tiến”, ông Paulo Medas khuyến nghị.
Bên cạnh đó, ông Paulo Medas cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực củng cố sự vững mạnh của khu vực tài chính. Để tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng, cần ưu tiên tăng cường giám sát ngân hàng, xây dựng các bộ đệm thanh khoản và vốn, đồng thời cải thiện hơn nữa khuôn khổ xử lý ngân hàng yếu kém.
Ngày 02/7/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Có thể nói, đây là một thông tin rất tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025 và trong thời gian tới.
Giải pháp của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025
Ngày 20/6/2025, phát biểu tại Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ nhất, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: (i) Về đầu tư: Quyết liệt giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia; xây dựng Cổng một cửa đầu tư cấp quốc gia và tỉnh; thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP); thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên dự án lớn, công nghệ cao; (ii) Về xuất khẩu: Tận dụng hiệu quả 17 FTA đã ký, thúc đẩy FTA mới nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12%, xuất siêu 30 tỷ USD; tăng cường thương mại hài hòa, bền vững với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các đối tác lớn; (iii) Về tiêu dùng: Hoàn thiện chính sách thuế, tín dụng nhằm kích cầu; kết nối cung - cầu, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; mục tiêu tăng 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tăng cường xúc tiến du lịch, mở rộng visa, phấn đấu năm 2025 đón 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, 22 - 23 triệu khách quốc tế.
Thứ hai, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới: Triển khai các nghị quyết về cơ chế, chính sách đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, thương mại điện tử và mô hình kinh doanh mới; tiếp tục thực hiện Đề án 06; hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do, mô hình cảng miễn thuế; triển khai Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; xây dựng cơ chế khai thác không gian biển, vũ trụ và không gian ngầm.
Niềm tin sâu sắc vào một kỷ nguyên vươn mình phía trước
Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ có tính chất bước ngoặt trong hành trình phát triển của mình. Những thách thức khách quan từ bên ngoài như căng thẳng thương mại toàn cầu, làn sóng bảo hộ gia tăng, hay bất ổn tài chính quốc tế không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà đã trở thành hiện thực buộc phải ứng phó. Thế nhưng, niềm tin vào mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 không xuất phát từ lạc quan cảm tính, mà được xây dựng trên cơ sở thực tiễn vững chắc.
Với nền tảng phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024 và kết quả tăng trưởng tích cực trong quý I/2025, quý II/2025, cùng với quyết tâm chính trị cao trong việc triển khai đồng bộ “Bộ tứ trụ cột” - thể chế pháp lý, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân, Việt Nam đang hội đủ điều kiện để duy trì xung lực tăng trưởng, mở ra một chu kỳ phát triển mang tính bứt phá.
Chặng đường phía trước vẫn còn không ít thách thức khi kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều biến động. Song chính trong bối cảnh ấy, bản lĩnh vững vàng, tư duy cải cách linh hoạt và khát vọng vươn lên sẽ tiếp tục định hình con đường phát triển của Việt Nam. Đây là thời điểm mà trí tuệ chính sách, năng lực điều hành và sức mạnh nội sinh sẽ hội tụ, tạo nền tảng để đất nước tiến bước vững chắc, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Tài liệu tham khảo:
IMF Staff Completes 2025 Article IV Mission to Vietnam. https://www.imf.org/en/News/Articles/2025/06/24/pr-25214-vietnam-imf-staff-completes-2025-article-iv-mission
Thùy Liên. “Phó thủ tướng: Tăng trưởng GDP quý II/2025 đạt khoảng 7,6%; không khoan nhượng với hàng giả, hàng lậu”. https://baodautu.vn/pho-thu-tuong-tang-truong-gdp-quy-ii2025-dat-khoang-76-khong-khoan-nhuong-voi-hang-gia-hang-lau-d308795.html
Quỳnh Anh