Chuyển đổi số đã chứng minh được những tác động tích cực và mang tính xây dựng trên nhiều phương diện, chẳng hạn như sự tiện lợi mà thanh toán kỹ thuật số và mua sắm trực tuyến mang lại. Tuy nhiên, sự gia tăng các hoạt động số hóa cũng khiến các hành vi gian lận và lừa đảo dễ dàng thiết lập và tiếp cận người dân ở quy mô chưa từng có. Những nỗ lực gần đây của các quốc gia cho thấy cuộc chiến chống gian lận và lừa đảo kỹ thuật số đang triển khai mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Gia tăng tình trạng gian lận và lừa đảo kỹ thuật số
Thời gian qua, tình hình tội phạm gian lận và lừa đảo kỹ thuật số trên thế giới diễn biến phức tạp, ngày càng phát triển thêm các hình thức lừa đảo tinh vi và lợi dụng công nghệ cao. Các vụ lừa đảo thanh toán nhanh, lừa đảo tình cảm và các cuộc tấn công nhắm vào các hệ thống thanh toán, tài chính ngày càng gia tăng.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến những mối đe dọa mới, như: Gian lận sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các hành vi gian lận tinh vi hơn (chẳng hạn như tạo ra các chiến dịch lừa đảo tự động hoặc giả mạo danh tính); gian lận danh tính tổng hợp (tội phạm tạo danh tính giả để mở tài khoản ngân hàng, vay vốn, hoặc thực hiện các hoạt động tài chính bất hợp pháp, gây thiệt hại lớn); sử dụng tiền điện tử cho hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, phần mềm tống tiền (Ransomware). Các mối đe dọa lừa đảo qua tin nhắn trực tuyến hoặc qua nền tảng mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại và SMS ngày càng trở nên tinh vi. Nhiều người nhận được tin nhắn và cuộc gọi như quảng cáo các cơ hội đầu tư hoặc việc làm giả mạo, hoặc giả mạo cơ quan thực thi pháp luật, thành viên gia đình hoặc bạn bè để lừa đảo, sử dụng công nghệ như Deepfake để tạo ra giọng nói và hình ảnh của các nhân viên ngân hàng, nhằm làm cho những nội dung trực tuyến giả mạo này trông thuyết phục hơn nhằm đánh lừa cá nhân hoặc tổ chức trong việc mở tài khoản, xác minh danh tính, hoặc thực hiện các giao dịch lừa đảo.
Bên cạnh đó, một số yếu tố góp phần làm gia tăng mối đe dọa tài chính là sự phát triển của các nền tảng tài chính số khiến gia tăng các lỗ hổng công nghệ, hoạt động tội phạm xuyên biên giới diễn biến ngày càng phức tạp vượt qua các rào cản về địa lý; khung pháp lý hiện tại không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, các cơ quan chức năng không đủ nguồn lực hoặc công nghệ để đối phó nhanh chóng với các mối đe dọa mới…
Giải pháp của các quốc gia
Tại Hồng Kông, ngày 09/7/2025 Cơ quan tiền tệ Hồng Kong (HKMA) đã ra mắt Hiến chương (Charter) Bảo vệ Người tiêu dùng Chống Lừa đảo phiên bản 3.0 (Anti-Scam Consumer Protection Charter 3.0) với sự tham gia của hơn 300 tổ chức tài chính và đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ đã tham gia và cam kết không gửi tin nhắn có chứa liên kết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân quan trọng, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hình thức lừa đảo qua mạng. Hiến chương bao gồm các nguyên tắc được thiết kế đặc biệt để chủ động ngăn chặn, phát hiện gian lận và lừa đảo trên các nền tảng trực tuyến, mạng viễn thông và được coi là một cột mốc quan trọng trong sự hợp tác giữa các lĩnh vực tài chính, công nghệ và viễn thông trong việc phòng, chống gian lận và lừa đảo tài chính tại Hồng Kông và nâng cao nhận thức phòng chống lừa đảo trong cộng đồng để mang lại một môi trường trực tuyến an toàn và bảo vệ công chúng khỏi gian lận và lừa đảo.
Tại Singapore, ngay từ năm 2018 đã thành lập Trung tâm Chống lừa đảo (Anti-Scam Center) thuộc Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) với chức năng tiếp nhận báo cáo từ người dân, phân tích xu hướng và dữ liệu lừa đảo, xác định đường dây điện thoại, tài khoản WhatsApp và tài khoản trực tuyến được sử dụng để lừa đảo; thực hiện quan hệ đối tác công, tư trong hợp tác với nhiều bên liên quan để đấu tranh, can thiệp vào các vụ lừa đảo đang diễn ra, ngăn ngừa tổn thất và phá vỡ các hoạt động lừa đảo. Với phương pháp tiếp cận chủ động, Trung tâm đã thực hiện gửi hàng loạt thông báo SMS cho các đối tượng nạn nhân có khả năng bị lừa đảo, nhờ đó giúp giảm thiểu rủi ro mất mát tài chính của người dân, doanh nghiệp. Nhiều người thừa nhận chỉ nhận ra rằng mình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo sau khi nhận được cảnh báo qua SMS từ Trung tâm và ngừng ngay các khoản chuyển tiền. Theo Luật bảo vệ khỏi lừa đảo có hiệu lực từ 01/7/2025, Trung tâm chống lừa đảo Singapore có thể “đóng băng” tài khoản ngân hàng trong thời gian ngắn để ngăn chặn lừa đảo, sau đó sẽ hạn chế các giao dịch ngân hàng từ tài khoản của một cá nhân nếu có lý do chính đáng để tin rằng họ đang bị lừa đảo. Những hạn chế này có thể bao gồm chặn chuyển khoản, truy cập ATM và các dịch vụ tín dụng. Thời gian “đóng băng” ban đầu có thể là một ngày, nhưng có thể gia hạn tối đa 30 ngày và có thể được gia hạn nhiều nhất 5 lần.
Tại Indonexia, ngày 10/6/2025, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonexa cũng đã ký ban hành Thông tư số 1215 quy định việc tạm giữ các khoản tiền liên quan đến giao dịch tranh chấp và quy trình xác minh, trong đó trao quyền cho cơ quan Thanh tra Ngân hàng Trung ương được phong tỏa các khoản tiền đáng ngờ, xác minh tính hợp pháp, trả lại hoặc chặn các khoản tiền đó - tất cả đều trong khuôn khổ pháp lý và theo quy trình, thủ tục rõ ràng. Thông tư số 1215 nhằm tăng cường công tác phòng, chống gian lận và lừa đảo tài chính tại Indonexia, quy định cụ thể các tiêu chuẩn quy trình và thời gian chặt chẽ, đồng thời buộc các tổ chức tài chính phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành, tổ chức triển khai quyết liệt Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng và sau đó thể chế hóa tại Thông tư 50/2024/TT-NHNN, theo đó, từ ngày 01/7/2024, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học đối với các giao dịch loại C, D (Giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị các giao dịch trong 1 ngày trên 20 triệu đồng). Trong năm 2024, NHNN đã hoàn thành triển khai điều chỉnh quy trình, cho phép việc sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử (VNeID) tương đương với giấy tờ giấy quy định tại một số Thông tư như Thông tư số 15/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); trong đó quy định giấy tờ tùy thân có bao gồm căn cước điện tử (đối với trường hợp khách hàng có tài khoản định danh điện tử mức độ 02) đối với cá nhân là công dân Việt Nam và danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02) đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam khi phải xuất trình giấy tờ tùy thân; Thông tư số 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; trong đó quy định hồ sơ mở tài khoản thanh toán trong đó đối với tài liệu, thông tin, dữ liệu về giấy tờ tùy thân của khách hàng cá nhân có bao gồm căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02) đối với cá nhân là công dân Việt Nam và danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02)... Theo công bố của NHNN tại họp báo 6 tháng đầu năm 2025, sau một thời gian làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, so với cùng kỳ năm 2024, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47%, đồng thời góp phần loại bỏ gần 86 triệu tài khoản “chết”. NHNN đã tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân về TTKDTM và sử dụng dịch vụ TTKDTM an toàn trên môi trường mạng như ban hành kế hoạch tuyền thông, sử dụng đa dạng các kênh như Cổng Thông tin điện tử NHNN, các báo và tạp chí trong Ngành, phối hợp cung cấp thông tin cho các tổ chức truyền thông ngoài Ngành, xây dựng Fanpage “Truyền thông SBV” để tuyên truyền về ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hướng dẫn kỹ năng an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành Ngân hàng về các tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo…
Có thể thấy, thời gian qua, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều rất nỗ lực, cố gắng và có nhiều giải pháp quyết liệt trong cuộc chiến chống gian lận và lừa đảo kỹ thuật số. Tuy nhiên, trong bối cảnh tội phạm tài chính diễn biến phức tạp, các quốc gia cần phải thiết lập những cơ chế hợp tác liên ngành, cả trong và ngoài nước, nhằm ngăn chặn chủ động, phát hiện kịp thời và thực thi hiệu quả các giải pháp nhằm phòng, chống gian lận và lừa đảo kỹ thuật số để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
BVA (Tổng hợp)