Ngày 11/7, tại TP. Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Đề án Cơ cấu lại tổng thể hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân (Quỹ Tín dụng) và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 20252030, định hướng đến năm 2045. Đây là hội thảo thứ 2 tiếp nối hội thảo tổ chức tại khu vực phía Bắc cách đây một tuần để nhà quản lý thu nhận những ý kiến đa chiều về thực tiễn để hoàn thiện nội dung đề án.
Tại Cần Thơ, Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ và ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đồng chủ trì. Ngoài ra, Hội thảo kết nối trực tuyến đến các điểm cầu ở NHNN khu vực các tỉnh phía Nam thu hút sự tham dự đông đảo của các đơn vị thuộc NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, UBND xã, phường và các Quỹ Tín dụng.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn chủ trì và phát biểu tại Hội thảo
Đại diện UBND TP. Cần Thơ thông tin về tình hình hoạt động của các Quỹ Tín dụng trong khu vực Cần Thơ và Vĩnh Long, đến tháng 6/2025, có 49 Quỹ đang hoạt động với tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 3.200 tỷ đồng, với gần 66.600 thành viên tham gia. Tuy nhiên, các Quỹ vẫn đối mặt với nhiều thách thức như năng lực quản trị hạn chế, tỷ lệ nợ xấu cao (trên 5,5%), hệ thống công nghệ thông tin không theo kịp và sản phẩm dịch vụ chưa đa dạng.
Trong khi đó, NHNN chi nhánh Khu vực 10 cũng có đánh giá về tình hình hoạt động của các Quỹ Tín dụng tại các tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiện tượng chồng lấn địa bàn hoạt động giữa các Quỹ, có thể phá vỡ nguyên tắc “không cạnh tranh nội bộ” của mô hình Quỹ.
Từ thực tế đó, NHNN khu vực 10 kiến nghị NHNN Việt Nam sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức lại mạng lưới Quỹ phù hợp địa giới hành chính mới. Đồng thời tăng cường giám sát rủi ro, đôn đốc xử lý sau thanh tra và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
Kết luận tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, tái cơ cấu hệ thống Quỹ Tín dụng cần thiết để sắp xếp, tổ chức lại mô hình các tổ chức tín dụng hợp tác xã. Thực sự trở thành kênh tài chính vi mô, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế ở các khu vực nông thôn, góp phần phổ cập tài chính toàn diện trên cả nước.
NHNN Việt Nam đã tổng hợp nhiều góp ý, kiến nghị từ các địa phương, NHNN khu vực, Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và nhiều Quỹ Tín dụng trên toàn quốc. Theo Phó Thống đốc, trong tháng 7 này, các vụ, cục chức năng của sẽ bổ sung, hoàn thiện hoàn thiện các nội dung, quy định của Đề án để sớm trình cấp có thẩm quyền và sớm được Chính phủ trình Quốc hội.
Phó Thống đốc chỉ đạo NHNN khu vực tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các Quỹ tại từng địa bàn, để ghi nhận tất cả các góp ý, kiến nghị nhằm hoàn thiện Đề án. Đối với các Quỹ, cần nâng cao tinh thần tự giác, chủ động tự củng cố tự chấn chỉnh để hoàn thiện mô hình, tổ chức hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và đúng với tôn chỉ mục đích của mô hình tín dụng hợp tác xã.
Thạch Bình