Trong bức tranh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Trung Quốc đang tạo dấu ấn ổn định và phục hồi vững chắc. Với tiêu dùng nội địa bứt phá, công nghiệp công nghệ cao tăng tốc và xuất khẩu chuyển dịch mạnh mẽ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang khẳng định năng lực tự cường và đổi mới không ngừng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước những áp lực cả trong và ngoài nước, các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc được đặc trưng bởi những biện pháp chủ động và có mục tiêu rõ ràng nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa, nâng cấp công nghiệp và tối ưu hóa cơ cấu, hướng nền kinh tế tới tăng trưởng chất lượng cao và bền vững hơn.
Là động lực chính của quá trình phục hồi kinh tế, tiêu dùng đã cho thấy sự cải thiện ổn định nhờ vào các chính sách ưu đãi và xu hướng nâng cấp cơ cấu, với mức đóng góp vào GDP được dự báo sẽ tăng đáng kể. Trong khi đó, lực lượng sản xuất chất lượng cao mới đang hình thành nhanh chóng, dẫn đầu bởi sự mở rộng mạnh mẽ trong các ngành công nghệ cao, trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng đầu tư.
Về xuất khẩu, xu hướng đa dạng hóa ngày càng rõ nét. Doanh nghiệp đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lên chuỗi giá trị cao hơn. Các thị trường mới nổi, đặc biệt là các quốc gia trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và khu vực ASEAN, ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp giảm thiểu những bất ổn đến từ biến động thị trường ở các khu vực khác.
Ở cấp độ chính sách vĩ mô, các biện pháp tài khóa được triển khai một cách hiệu quả và phối hợp. Việc linh hoạt trong thâm hụt ngân sách được sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm các khoản chi thiết yếu. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, hợp lý, duy trì dư địa cho việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất trong năm nhằm bơm thanh khoản và ổn định kỳ vọng thị trường.
Được thúc đẩy bởi nhiều động lực tăng trưởng, nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy bước tiến ổn định khi động lực nội sinh được củng cố dần, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chất lượng cao.
Tiêu dùng: Trụ cột phục hồi và động lực chính của tăng trưởng
Tiêu dùng tiếp tục là nền tảng của phục hồi vững chắc, với các chính sách hỗ trợ nhu cầu nội địa - yếu tố then chốt trong khả năng chống chịu của nền kinh tế Trung Quốc. Đầu năm 2025, chứng kiến nhiều chiến dịch kích cầu mạnh mẽ nhắm vào ô tô, điện tử và du lịch, cùng với đó là chương trình trợ giá đổi mới tiêu dùng trên toàn quốc, nhằm hồi phục lĩnh vực tiêu dùng. Chi tiêu cho dịch vụ tăng vọt trong mùa du lịch xuân, trong khi doanh số hàng hóa cao cấp tăng hơn 20% so với cùng kỳ vào tháng 5/2025.
Xu hướng nâng cấp tiêu dùng tại Trung Quốc trở nên rõ nét hơn khi các mô hình mới nổi mang lại sức sống mới cho thị trường. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình tiêu dùng trực tuyến, thị hiếu ngày càng chú trọng đến chất lượng và đa dạng giúp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tăng trưởng nhanh chóng. Đồng thời, thông qua nâng cao sức mua hộ gia đình, mở rộng nguồn cung chất lượng và cải thiện môi trường tiêu dùng, các chính sách hướng đến việc khai thác toàn diện tiềm năng cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao mức sống.
Dự báo trong nửa cuối năm 2025, tiêu dùng nội địa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Với việc thị trường lao động ổn định và thu nhập hộ gia đình tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2024. Trong khu vực dịch vụ, nhu cầu nâng cấp sẽ tiếp tục được giải phóng, trở thành động lực mới cho tiêu dùng.
Các biện pháp cải thiện sinh kế - bao gồm tăng lương hưu và trợ cấp cho nhóm thu nhập thấp - sẽ dần mở rộng nhóm thu nhập trung bình và tăng cường khả năng tiêu dùng bền vững. Song song đó, các cải cách hệ thống trong lĩnh vực nhà ở, y tế và giáo dục sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt, qua đó, thúc đẩy cầu tiêu dùng.
Dự kiến trong năm 2025, tiêu dùng sẽ đóng góp hơn 60% vào tăng trưởng GDP, với tiềm năng được khai mở qua ba giai đoạn: Kích thích chính sách, phục hồi niềm tin và mở rộng nội sinh. Kích thích ngắn hạn cho hiệu quả nhanh, trong khi tăng thu nhập trung hạn và cải cách cơ cấu sẽ chuyển tiêu dùng từ phục hồi sang mở rộng chủ động, khẳng định vai trò trung tâm trong phát triển chất lượng cao của Trung Quốc.
Chuyển đổi công nghiệp dựa trên đổi mới: Động lực năng suất thế hệ mới
Chuyển đổi công nghiệp dựa trên đổi mới đang tăng tốc, thúc đẩy năng suất thế hệ tiếp theo. Trong bối cảnh môi trường bên ngoài biến động và các động lực truyền thống suy yếu, Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất chất lượng cao mới nhằm đạt được tối ưu hóa cơ cấu, dẫn đầu công nghệ và nâng cao hiệu quả.
Tháng 5/2025, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp quy mô lớn tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó, ngành sản xuất thiết bị tăng 9,0% và ngành sản xuất công nghệ cao tăng 8,6%. Trong khi các lĩnh vực truyền thống như bất động sản vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, hiệu suất ấn tượng này cho thấy các ngành mới nổi - đặc biệt là thiết bị tiên tiến và sản xuất thông minh - đang trở thành động lực chính của tăng trưởng công nghiệp.
Đầu tư cũng đang hướng tới tái cân bằng cơ cấu một cách chủ động hơn
Trong năm 2025, trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn (ultra-long term special treasury bonds) sẽ ưu tiên tài trợ cho các dự án quốc gia trọng điểm và nâng cao năng lực an ninh, đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình đổi mới thiết bị quy mô lớn và thay thế hàng tiêu dùng cũ. Các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục thúc đẩy nâng cấp sản xuất và đầu tư vào các ngành công nghệ cao, tạo nền tảng ổn định hơn cho tăng trưởng.
Đầu tư vào sản xuất và công nghệ cao được dự báo sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với tổng đầu tư chung trong năm 2025. Với sự dẫn dắt của chính sách tài khóa, đầu tư cơ sở hạ tầng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải từ 5 đến 6%. Đáng chú ý, tỷ trọng đầu tư vào sản xuất và công nghệ sẽ gia tăng, trong khi tỷ trọng của bất động sản giảm. Sự tái cân bằng này không chỉ giảm phụ thuộc cơ cấu vào bất động sản, mà còn củng cố động lực nội sinh, thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Xuất khẩu nâng cấp: Chuyển dịch cơ cấu và mở rộng toàn cầu
Xuất khẩu của Trung Quốc đang được nâng cấp theo hướng chất lượng cao hơn, tối ưu hóa hiện diện toàn cầu và tái cấu trúc cơ cấu, từ đó, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Sự phát triển nhanh của lực lượng sản xuất chất lượng cao mới tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời, hướng dòng vốn vào sản xuất công nghệ cao và ngành xanh. Thông qua đổi mới độc lập và xây dựng thương hiệu quốc tế, các doanh nghiệp Trung Quốc đang thiết lập vị thế vững chắc hơn tại các thị trường toàn cầu cao cấp.
Các doanh nghiệp thiết bị lớn của Trung Quốc, như máy móc xây dựng và phương tiện đường sắt, đang trúng thầu các dự án lớn tại các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường nhờ chi phí cạnh tranh. Trung Quốc đang chứng kiến sự dịch chuyển dần từ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống sang các nền kinh tế đang phát triển. Khi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ giảm còn khoảng 12%, ASEAN đã vượt Mỹ và châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến vẫn duy trì sự bền bỉ trong nửa cuối năm 2025. Nếu Mỹ duy trì các chính sách giảm thuế hiện tại, xuất khẩu sang thị trường này sẽ ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh giao hàng trước khi chính sách miễn thuế hết hạn, tạo cú hích tạm thời trong quý III.
Về dài hạn, mặc dù tăng trưởng tổng thể có thể chậm lại, chất lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục cải thiện. Về mặt địa lý, hàng hóa sẽ ngày càng hướng đến các thị trường mới nổi. Đồng thời, các sản phẩm công nghệ và hàng tiêu dùng có thương hiệu sẽ trở thành điểm nhấn, trong khi tỷ trọng hàng xuất khẩu truyền thống dựa vào lao động giá rẻ có thể dần suy giảm. Vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu sẽ tăng ổn định, tạo động lực mạnh mẽ cho thương mại đối ngoại và phát triển kinh tế chất lượng cao.
Chính sách: Giữ vững định hướng, củng cố niềm tin thị trường
Khung chính sách hiện nay thể hiện quyết tâm chiến lược thông qua các biện pháp đồng bộ nhằm ổn định kỳ vọng. Trong bối cảnh môi trường trong và ngoài nước đang có những biến động sâu sắc, các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc giữ được sự cân bằng hợp lý giữa ổn định tăng trưởng và phòng ngừa rủi ro, tăng cường tính dự đoán và củng cố niềm tin vào triển vọng phát triển.
Chính sách tài khóa năm 2025 nâng trần thâm hụt ngân sách lên 4,0% GDP, gửi đi tín hiệu mạnh mẽ nhằm ổn định thị trường. Tăng trưởng nguồn thu thuế quốc gia 1,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ cho thấy tác động tích cực từ các gói kích thích trước đó. Chính sách tập trung vào phát hành trái phiếu đặc biệt và triển khai dự án, đồng thời, duy trì dư địa để cân bằng giữa kích thích ngắn hạn và dự phòng dài hạn. Dưới điều kiện thu ngân sách hạn chế, chính sách tài khóa sẽ tập trung chi cho an sinh xã hội, hiện đại hóa hạ tầng và chuyển đổi xanh, giúp tăng cường tính bền vững và tạo dư địa tăng trưởng dài hạn.
Chính sách tiền tệ vẫn giữ quan điểm nới lỏng có kiểm soát, cân bằng giữa điều chỉnh ngắn hạn và ổn định trung hạn. Thông qua các đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có chọn lọc, công cụ cấu trúc và điều tiết thanh khoản linh hoạt, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển xanh và tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, duy trì cơ chế tỷ giá dựa trên thị trường và tăng cường quản lý dòng vốn xuyên biên giới. Trong bối cảnh Fed có khả năng giảm lãi suất và lạm phát nội địa thấp, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm các đợt giảm lãi suất và dự trữ bắt buộc trong năm nay nhằm mở rộng tín dụng, giảm chi phí tài chính và ổn định kỳ vọng thị trường.
Trong nửa cuối năm 2025, nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ duy trì đà phục hồi ở mức vừa phải nhờ vào các động lực nội địa. Mặc dù vẫn còn những bất định từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ duy trì sự cân bằng và bền vững dưới sự điều hành chính sách hiệu quả, nhiều khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% như chính phủ đề ra.
Tài liệu tham khảo:
Nation's economy showing signs of stability. (2025). China Daily.
Linh Lan