Chỉ số giá tiêu dùng tại Khu vực đồng Euro đã trở lại ngưỡng 2,0% trong tháng 6/2025 - đúng bằng mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong bối cảnh lạm phát năng lượng giảm chậm lại và giá dịch vụ tiếp tục neo cao.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chỉ số giá tiêu dùng tại Khu vực đồng Euro đã tăng nhẹ lên 2,0% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6/2025, theo ước tính nhanh của Eurostat, tăng so với mức 1,9% của tháng 5 và đúng với dự báo của giới phân tích. Lạm phát cơ bản, không bao gồm các thành phần biến động như giá năng lượng và thực phẩm, đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6, bằng với mức của tháng 5 và giảm so với 2,7% trong tháng 4 (Hình 1).
“Đúng như dự đoán, lạm phát tại châu Âu đã chạm mức mục tiêu mà ECB đề ra. Mặc dù các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vẫn đang âm ỉ, lạm phát ở châu Âu hiện tại có vẻ đang được kiểm soát tốt, điều này sẽ giúp xoa dịu các thị trường chứng khoán”, chiến lược gia thị trường châu Âu của Morningstar Michael Field nhận định.
Hình 1: Lạm phát Khu vực đồng Euro
Lạm phát dịch vụ tại Khu vực đồng Euro tăng cao hơn
Theo ước tính của Eurostat, giá dịch vụ được dự báo tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6, cao hơn mức 3,2% của tháng 5. Trong khi đó, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá được dự báo tăng 3,1%, giảm nhẹ so với mức 3,2% trong tháng 5. Giá hàng công nghiệp phi năng lượng dự kiến chỉ tăng 0,5%, thấp hơn mức 0,6% của tháng trước.
Ngược lại, giá năng lượng được dự báo sẽ giảm 2,7%, so với mức giảm 3,6% trong tháng 5. Đợt tăng giá dầu ngắn hạn do xung đột giữa Israel và Iran đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Theo Riccardo Marcelli Fabiani, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, các số liệu lạm phát tháng 6 cho thấy xu hướng giảm phát tại Khu vực đồng Euro có khả năng sẽ tiếp diễn.
“Sự tăng giá của đồng Euro (Hình 2) sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu. Quan trọng hơn cả, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ sản xuất trong nước dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhờ vào đà tăng trưởng tiền lương đang chững lại,” Fabiani nhận định thêm.
Felix Feather, chuyên gia kinh tế tại Aberdeen Investments, cũng đồng tình: “Lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu từ thời điểm này, do giá dầu vẫn tương đối rẻ, Euro mạnh và nhu cầu nội địa còn yếu.”
Theo Martin Wolburg, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Generali Investments: “Nguyên nhân chính khiến lạm phát bật tăng trở lại trong tháng 6 là do tác động giảm phát từ giá năng lượng đã suy yếu, bởi giá năng lượng tăng lên do các yếu tố địa chính trị trong tháng qua.”
Ông bổ sung thêm: “Nếu nhìn xa hơn dữ liệu hôm nay, các chỉ số then chốt như tăng trưởng tiền lương khiến chúng tôi kỳ vọng rằng lạm phát cơ bản sẽ ổn định lâu dài ở mức phù hợp với mục tiêu 2% của ECB.”
Hình 2: Tỷ giá EUR/USD tháng 2 - tháng 6
ECB có cắt giảm lãi suất vào tháng 7 không?
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày 24/7/2025 và thị trường kỳ vọng chu kỳ nới lỏng sẽ tạm dừng. Trước đó, ECB đã cắt giảm lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 2,00% vào ngày 05/6/2025, đây là lần giảm thứ tám kể từ khi chu kỳ nới lỏng bắt đầu một năm trước (Hình 3). Tổng cộng, ECB đã giảm một nửa mức lãi suất tiền gửi từ 4% xuống còn 2% chỉ trong hơn một năm. Hiện chỉ còn 4 cuộc họp chính sách tiền tệ theo lịch trình trong năm 2025.
Theo ông Michael Field từ Morningstar, mức lạm phát thấp hiện nay đã giúp ECB giảm áp lực phải hành động thêm, và có thể Ngân hàng đang tiến gần đến mức đáy lãi suất trong chu kỳ hiện tại. Sau một giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng nhẹ, đặc biệt sau đợt phục hồi gần đây.
Chuyên gia kinh tế Riccardo Marcelli Fabiani của Oxford Economics cho rằng ECB “nhiều khả năng sẽ tạm dừng giảm lãi suất trong tháng 7 để đánh giá các dữ liệu mới, do lo ngại về mức độ bất định cao hiện tại. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng yếu sẽ làm giảm áp lực giá từ phía cầu, từ đó, dẫn đến một đợt cắt giảm lãi suất vào quý 3”.
Felix Feather từ Aberdeen cũng dự báo ECB sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay, dù vẫn tồn tại nhiều rủi ro xoay quanh kịch bản này. Ông nhận định: “Về trung hạn, các gói mở rộng tài khóa liên quan đến chi tiêu quốc phòng và hạ tầng sẽ có tác động làm tăng lạm phát nhất định. Do đó, ECB sẽ khó cắt giảm mạnh tay và khả năng cao chỉ duy trì quan điểm nới lỏng ở mức độ vừa phải”.
Hình 3: Lãi suất ECB
Tài liệu tham khảo:
Valerio Baselli. (2025). Eurozone Inflation Back at ECB Target in June. Morningstar. https://global.morningstar.com/en-gb/economy/eurozone-inflation-back-ecb-target-juneBottom of Form
Lê Thủy