Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh, giá vàng đã ghi nhận đà tăng ấn tượng khi giới đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Trong khi đó, các tài sản truyền thống như trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng Đô la Mỹ lại chịu áp lực giảm giá.
Sự thay đổi sâu rộng trong chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này và vàng đã “lấp đầy khoảng trống” để trở thành tài sản trú ẩn an toàn được thị trường lựa chọn, theo ông Vivek Dhar - Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai khoáng của Commonwealth Bank of Australia (CBA).
“Điều khiến đợt chuyển dịch sang tài sản an toàn lần này trở nên đặc biệt là việc đồng Đô la Mỹ và trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo, do sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của những tài sản này đã suy giảm,” ông Dhar nói thêm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đầu tháng 4/2025, Tổng thống Donald Trump áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ, khiến các nhà đầu tư đổ xô đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá vàng liên tục lập các mức đỉnh mới và đã chạm mốc 3.500 USD/ounce vào ngày 22/4/2025, mức cao nhất trong lịch sử, trong khi J.P. Morgan dự đoán kim loại quý này sẽ đạt mức trung bình 3.675 USD/ounce vào quý IV/2025 và có thể lên tới 4.000 USD/ounce vào quý II/2026. Nhưng rồi khoảng lặng xuất hiện khi Tổng thống Donald Trump dịu giọng và không còn quyết liệt trong việc sa thải Chủ tịch Fed Powell, đã làm áp lực đã giảm bớt. Các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn, do vậy, họ rút khỏi vàng và quay trở lại với các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy mức giảm gần 2%, xuống còn 3.319 USD/ounce vào ngày 25/4/2025. Tuy vậy, giá vàng vẫn tăng 42,71% so với cùng kỳ và 26,5% so với đầu năm (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Giá vàng và chỉ số Đô la Mỹ (DXY)
Nguồn: https://en.macromicro.me/collections/45/mm-gold-price/592/us-usd-dollar-gold-price
Ngược lại, trái phiếu Chính phủ Mỹ đã chứng kiến làn sóng bán tháo trong vài tuần gần đây, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 01/2025 đến nay (Biểu đồ 2). Trong khi đó, chỉ số Đô la Mỹ đã giảm liên tục và tính đến thời điểm hiện tại, đã suy yếu 8% trong năm nay.
Biểu đồ 2: Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kì hạn 30 năm
Nguồn: https://en.macromicro.me/charts/14532/us-30-year-government-bond-yield
Mặc dù lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm khoảng 6 điểm cơ bản kể từ đầu năm, nhưng chỉ trong vòng hơn một tuần sau khi ông Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế đối ứng, lợi suất này đã tăng vọt hơn 30 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm cũng tăng tương tự.
Dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài đã hạ nhiệt so với mức đỉnh đầu tháng 4/2025 và đồng Đô la Mỹ đã phục hồi nhẹ sau khi Tổng thống Donald Trump rút lại tuyên bố sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, vị thế của các tài sản Mỹ trong mắt nhà đầu tư đã phần nào suy giảm.
Vì sao vàng đang lên ngôi?
Mối quan hệ nghịch truyền thống giữa lợi suất trái phiếu và giá vàng dường như đã bị phá vỡ. Thông thường, khi lợi suất tăng, vàng trở nên kém hấp dẫn hơn vì chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - vốn không sinh lời - cũng tăng lên.
Tuy nhiên, khả năng phòng ngừa lạm phát của vàng đang khiến kim loại này trở nên “đặc biệt”, theo ông Michael Ryan, giảng viên Khoa Kế toán, Tài chính và Kinh tế của Đại học Waikato. Ông Ryan nhận định rằng các mức thuế mới được kỳ vọng sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao, điều này dẫn đến kỳ vọng về lãi suất trong tương lai tăng theo, từ đó, tạo áp lực lên thị trường trái phiếu.
“Tuy nhiên, vàng từ lâu đã được xem là công cụ phòng ngừa lạm phát, điều này có thể lý giải vì sao nhà đầu tư đang ưa chuộng vàng - có lẽ chính vai trò truyền thống này của vàng đang khiến nó trở nên ‘đặc biệt’,” ông Ryan nói thêm.
“Không giống như tiền tệ hay trái phiếu chính phủ, vàng không mang rủi ro tín dụng và không bị ràng buộc với quỹ đạo kinh tế hay chính trị của bất kỳ quốc gia nào,” ông Alexander Zumpfe, chuyên gia giao dịch kim loại quý cấp cao tại Heraeus, cho biết.
Góp phần làm tăng sức hấp dẫn của vàng là sự suy yếu của đồng Đô la Mỹ. Khi đồng Đô la Mỹ yếu hơn, các hàng hóa được định giá bằng Đô la - bao gồm cả vàng - trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Xu hướng đa dạng hóa dự trữ
Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi - vốn sở hữu tỷ trọng vàng thấp hơn so với các quốc gia phát triển - đang quay sang kim loại quý này và có khả năng tiếp tục là những người mua lớn khi họ đa dạng hóa khỏi các tài sản dựa vào đồng Đô la Mỹ, theo ông Eli Lee, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Ngân hàng Singapore.
Vàng từng nhiều lần được đưa ra như một lựa chọn thay thế tiềm năng cho vai trò tiền tệ dự trữ chính. “Các quốc gia nhận ra rằng vàng có thể là một hàng rào phòng vệ trong trường hợp Mỹ đóng băng dự trữ ngoại tệ của các nước không tuân theo chính sách của mình,” ông Dhar từ CBA chia sẻ.
Mặc dù việc bán tháo đồng Đô la Mỹ có lợi cho vàng, ông Dhar cho rằng vẫn khó hình dung một tương lai, nơi có sự thay thế đáng kể đối với đồng bạc xanh, do chi phí vận chuyển và lưu trữ vàng cao - chưa kể việc vàng không sinh lãi cũng hạn chế sức hấp dẫn của nó.
Ngoài ra, dù vị thế của trái phiếu Chính phủ Mỹ như một tài sản trú ẩn an toàn đã có phần bị xem xét lại nhưng vẫn “vô cùng khó” để thay thế, vì đây là “thị trường có tính thanh khoản cao nhất thế giới,” theo ông Todd Brighton, Giám đốc danh mục đầu tư tại Franklin Income Investors.
Việc thay thế trái phiếu Chính phủ Mỹ trong vai trò tài sản trú ẩn an toàn sẽ chưa xảy ra trong tương lai gần, ngay cả khi thế giới đang dần chuyển sang cấu trúc đa cực hơn, ông nói thêm.
Tài liệu tham khảo:
CNBC. (2025). Why gold became the safe haven of choice as U.S. Treasurys and dollar sold off. CNBC. https://www.cnbc.com/2025/04/24/gold-rallies-as-investors-re-evaluate-us-treasurys-and-dollar.html
Bảo Nguyên