Trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế, Trung Quốc đang khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu vay yếu cùng rủi ro nợ xấu gia tăng đang tạo ra không ít thách thức cho các ngân hàng trong việc thực hiện mục tiêu này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tín dụng tiêu dùng gặp rào cản
Kể từ tháng 3/2025, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã ban hành nhiều hướng dẫn nhằm khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất và mở rộng tín dụng tiêu dùng, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ thuế quan với Mỹ. Lãi suất vay tiêu dùng từng giảm xuống dưới 3% trước khi các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng trở lại do biên lợi nhuận bị thu hẹp.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo chi nhánh và quản lý tín dụng chia sẻ với Reuters rằng họ gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay tiêu dùng. Nguyên nhân là nhu cầu vay yếu, rủi ro nợ xấu hộ gia đình tăng nhanh, cộng thêm lo ngại về thu nhập bấp bênh của khách hàng.
Các đợt cắt giảm lương gần đây trong ngành tài chính, sản xuất và khu vực Nhà nước càng làm suy yếu khả năng tài chính của hộ gia đình, trong khi thuế nhập khẩu cao hơn từ Mỹ cũng dấy lên lo ngại về công việc và thu nhập. Vì vậy các ngân hàng bị kẹt giữa mục tiêu cho vay và kiểm soát nợ xấu.
Nợ xấu tiêu dùng gia tăng nhanh
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tăng trưởng cho vay tiêu dùng chỉ đạt 6,1% trong quý I/2025, giảm so với mức 8,7% cùng kỳ 2024 và 11% năm 2023. Dữ liệu quý II sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn hệ thống ngân hàng thương mại đạt 1,51% cuối tháng 3/2025, gần như không đổi so với cuối 2024. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nông thôn nhỏ ghi nhận tỷ lệ NPL cao hơn, ở mức 2,86%, trong khi ngân hàng quốc doanh lớn chỉ ở 1,22%.
Dù số liệu chính thức không công bố tỷ lệ NPL riêng của mảng tín dụng tiêu dùng, các nhà quản lý tín dụng cho biết nợ xấu cá nhân đã tăng mạnh năm nay. Trong quý I/2025, tổng giá trị nợ xấu được rao bán đạt 74,27 tỷ Nhân dân tệ (hơn 10 tỷ USD), tăng 190,5% so với cùng kỳ 2024. Khoảng 70% trong số đó là các khoản vay tiêu dùng.
Nhu cầu vay tiêu dùng tiếp tục suy yếu
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cho biết tỷ lệ NPL tín dụng tiêu dùng của họ đã tăng từ 1,34% cuối 2023 lên 2,39% cuối 2024. Một số ngân hàng khu vực còn ghi nhận mức tăng đáng lo ngại. Bohai Bank có tỷ lệ NPL tiêu dùng vọt lên 12,37% trong 2024 từ mức 4,44% năm trước; Harbin Bank tăng lên 5,51% từ 3,94%.
Thêm vào đó, khảo sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với 20.000 hộ gia đình cho thấy 61,4% có xu hướng tăng tiết kiệm, tăng gần 20 điểm phần trăm so với trước đại dịch.
Tín dụng hay thu nhập - bài toán khó
Theo các chuyên gia, đòn bẩy tín dụng chỉ mang tính tạm thời. Kích thích tiêu dùng bền vững cần dựa vào tăng trưởng thu nhập, đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương phải tăng chi phúc lợi xã hội và lương công chức - điều không dễ trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
“Tăng tiêu dùng nhờ tăng thu nhập vẫn tốt hơn cho phục hồi kinh tế bền vững, nhưng đây là nhiệm vụ khó,” nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Lynn Song của ngân hàng ING nhận định.
Dù tỷ lệ nợ hộ gia đình của Trung Quốc, ở mức 60% GDP, vẫn thấp hơn Mỹ (70%) hay Hàn Quốc (hơn 90%), nhưng tốc độ tăng nhanh của nợ xấu tiêu dùng đang đặt ra nhiều lo ngại cho hệ thống ngân hàng nước này.
Bảo Ly (Theo Reuters)