Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa đề xuất điều chỉnh cách đánh giá các ngân hàng lớn, giúp việc đạt xếp hạng “quản trị tốt” trở nên dễ dàng hơn. Đề xuất này có thể tạo điều kiện cho các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A), vốn đang bị hạn chế do tiêu chuẩn quản trị khắt khe.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nới tiêu chuẩn để khơi thông M&A
Trung tuần tháng 7/2025, Fed đã công bố đề xuất điều chỉnh khung giám sát các ngân hàng lớn, trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng bị chấm điểm trên bốn tiêu chí riêng biệt. Theo đề xuất, việc được công nhận là “quản trị tốt” sẽ trở nên dễ dàng hơn, vì ngân hàng chỉ bị mất xếp hạng này khi có thiếu sót ở nhiều tiêu chí, thay vì chỉ cần một thiếu sót như quy định hiện hành.
Động thái này có thể mở ra cơ hội cho các thương vụ M&A, khi một trong những hậu quả của việc không đạt xếp hạng cao là bị cấm thực hiện các thương vụ này. Jaret Seiberg, chuyên gia phân tích tại TD Cowen, nhận định: “Điều này sẽ mở đường cho các ngân hàng khu vực thực hiện M&A, bởi trước đây khoảng hai phần ba ngân hàng lớn không thể tiến hành do cách tính điểm xếp hạng của Fed”.
Hiện nay, trong số 36 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (mỗi ngân hàng có tài sản trên 100 tỷ USD) có tới 23 ngân hàng không được đánh giá là “quản trị tốt”. Nếu đề xuất mới được thông qua, sẽ có 8 ngân hàng trong số này được nâng lên xếp hạng “quản trị tốt”.
Cách chấm điểm đang gây tranh cãi
Hệ thống đánh giá hiện tại, thiết lập từ năm 2018, phân loại ngân hàng dựa trên ba tiêu chí: Vốn, thanh khoản, quản trị và kiểm soát, với bốn mức đánh giá: Đạt kỳ vọng, đạt có điều kiện, thiếu sót mức 1 và thiếu sót mức 2. Theo quy định, nếu ngân hàng bị xếp “thiếu sót mức 1” ở bất kỳ tiêu chí nào, ngân hàng đó sẽ không được công nhận là “quản trị tốt” và sẽ bị hạn chế, bao gồm cả trong hoạt động M&A.
Theo đề xuất mới, chỉ khi ngân hàng bị đánh giá thiếu sót ở nhiều tiêu chí, hoặc nhận mức “thiếu sót mức 2” ở một tiêu chí, mới bị mất xếp hạng “quản trị tốt”.
Nhiều ngân hàng đã phản ánh rằng cách giám sát hiện tại quá khắt khe và mang tính chủ quan, đặc biệt ở tiêu chí quản trị và kiểm soát. Các ngân hàng mong muốn Fed minh bạch hơn và đánh giá sát thực hơn năng lực tài chính thể hiện qua vốn và thanh khoản.
Ý kiến trái chiều trong nội bộ Fed
Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, bà Michelle Bowman cho biết, hai phần ba các ngân hàng lớn hiện không được coi là “quản trị tốt” dù duy trì mức vốn và thanh khoản vững mạnh. Bà cho rằng điều chỉnh này sẽ giúp giám sát ngân hàng phù hợp hơn với rủi ro tài chính cốt lõi, đồng thời nhấn mạnh: “Đề xuất là cách tiếp cận thực tiễn để xác định một ngân hàng có được quản trị tốt hay không.”
Tuy vậy, Thống đốc Michael Barr, người từng đảm nhiệm vị trí giám sát cao nhất của Fed trước Bowman đã bỏ phiếu phản đối. Ông cảnh báo, việc thay đổi tiêu chuẩn có thể làm suy yếu công tác giám sát, vì các ngân hàng có vấn đề quản trị vẫn có thể được xếp loại “quản trị tốt”, làm giảm động lực khắc phục những điểm yếu đó.
“Nếu chúng ta cho phép các ngân hàng có khiếm khuyết lớn về quản trị mua lại hoặc sáp nhập với công ty khác, rủi ro thất bại của họ sẽ cao hơn, kéo theo chi phí xử lý cũng lớn hơn,” ông Barr nêu quan điểm.
Minh Quân (Theo Reuters)