Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành ngân hàng Việt Nam, với nhiều thành tựu về ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ, khung pháp lý, an ninh mạng và nhân lực số vẫn là những thách thức lớn cần giải quyết.
Ngân hàng - “đầu tàu” chuyển đổi số quốc gia
Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc để Việt Nam thích ứng và vượt qua thách thức của bối cảnh hiện nay. Ngành Ngân hàng được coi như huyết mạch của nền kinh tế vì ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực và đời sống người dân, doanh nghiệp. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Chính phủ Việt Nam kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về việc chủ động trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0, đặc biệt là rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời phát triển các mô hình ngân hàng số, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện lợi, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Một số thành tựu và thách thức trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Một số thành tựu đạt được
Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng tại Đại hội XIII về: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy số hóa hoạt động và đã đạt kết quả tích cực. Về phía NHNN, phát huy vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách cho quá trình chuyển đổi số. Theo đó, NHNN đang dần hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển các mô hình ngân hàng số, cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện lợi, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
Về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tính đến hết quý 1/2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 44,43% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 40,41%, qua kênh điện thoại di động tăng 39,82%, qua phương thức QR code tăng 81,64%. Tài khoản Mobile Money của ba nhà mạng viễn thông VNPT, Viettel, Mobifone cũng tăng mạnh, lên đến 10,4 triệu tài khoản, trong đó hơn 72% tài khoản viễn thông thanh toán ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Những con số này cho thấy chuyển đổi số đang thay đổi thói quen giao dịch của khách hàng và nâng cao tính thiết yếu trong đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, các TCTD, trung gian thanh toán tích cực thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án 06 vào hoạt động ngân hàng. Đến hết ngày 09/5/2025, toàn ngành Ngân hàng đã có hơn 111,8 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chíp hoặc VNeID (đạt gần 100% tổng lượng tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số); hơn 695 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 66% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số); khoảng 22,01 triệu khách hàng mở và sử dụng ví điện tử đã được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chíp thông qua ứng dụng ví điện tử (đạt 82,5% tổng số ví điện tử đang hoạt động).
Đặc biệt, các NHTM đang tích cực áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng hoạt động. Cụ thể, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) liên tục ra mắt các nền tảng số hiện đại như VCB Digibank, VCB CashUp Mobile, VCB Online Lending, VCB iCare, VCB Tablet... mang lại trải nghiệm thuận tiện cho khách hàng. Vietcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ đăng ký và sử dụng chữ ký số tích hợp xác thực điện tử qua VNeID để phục vụ giải ngân tín dụng trực tuyến cho khách hàng cá nhân. Đây là bước tiến lớn trong việc liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp đơn giản hóa thủ tục vay vốn online. NHTM cổ phần Quân đội (MB) cũng đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong hành trình chuyển đổi số. MB chủ động rà soát, rà soát các mối đe dọa an ninh mạng, hoàn toàn tự chủ trong việc xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin thực tế nhắm vào MB (DDOS, Redteam…) mà không phụ thuộc bên ngoài. Bên cạnh đó, MB cũng là một trong những ngân hàng tiên phong phát triển ngân hàng số thuần túy (Digital bank) thông qua ứng dụng App MBBank với lượng người dùng lớn. Ứng dụng này cho phép khách hàng mở tài khoản 100% online, trải nghiệm các dịch vụ từ gửi tiết kiệm, vay vốn đến đầu tư, bảo hiểm một cách thuận tiện.
Một số thách thức
Một là, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng như Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó hướng đến việc phát triển hạ tầng số đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Những văn bản này không chỉ tạo ra khung pháp lý thuận lợi mà còn thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành Ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng còn hạn chế. Bên cạnh đó, khung pháp lý về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ là rào cản trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các ngân hàng.
Hai là, hạ tầng kỹ thuật và kết nối hạn chế: Việc chuẩn hóa và đồng bộ hạ tầng công nghệ giữa ngành Ngân hàng với các ngành khác còn nhiều trở ngại. Hệ sinh thái số đòi hỏi sự kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngân hàng với các lĩnh vực (thuế, hải quan, y tế, giáo dục…), nhưng hiện nay việc này vẫn gặp khó do hạ tầng chưa đồng bộ. Điều này cản trở việc cung ứng dịch vụ tài chính số một cách đa tiện ích, xuyên suốt cho khách hàng.
Ba là, rủi ro an ninh mạng và nhận thức người dùng: Cùng với tiến trình chuyển đổi số là sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao. Các thủ đoạn tấn công vào hệ thống ngân hàng và lừa đảo khách hàng ngày càng tinh vi, khó lường, tạo ra nguy cơ mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Trong khi đó, nhận thức của nhiều khách hàng về rủi ro giao dịch số còn hạn chế. Một bộ phận người dân (đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa) vẫn e ngại khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số do lo sợ lừa đảo hoặc không quen sử dụng công nghệ. Yếu tố kẻ xấu và người dùng thiếu kiến thức trở thành thách thức lớn về an ninh, an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng.
Bốn là, thiếu hụt nguồn nhân lực số chất lượng cao: Nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài về công nghệ do cạnh tranh từ các công ty Fintech. Hậu quả là một số dự án số hóa thiếu nhân lực giỏi để thực hiện, hoặc vận hành hệ thống số gặp trục trặc do thiếu chuyên gia. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán nan giải cần thời gian và chiến lược dài hạn mới có thể khắc phục.
Một số khuyến nghị nâng cao chất lượng chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại
Để tiếp tục tiến lên trong hành trình chuyển đổi số, ngành Ngân hàng Việt Nam cần một chiến lược toàn diện. Dựa trên định hướng của NHNN và kinh nghiệm thực tiễn, có thể đề ra một số giải pháp và định hướng trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng số: Tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho hoạt động chuyển đổi số. Trọng tâm là ban hành các quy định cụ thể về kết nối và khai thác dữ liệu, về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán số, cũng như các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm ngân hàng số mới. Việc sớm hoàn thiện pháp lý sẽ giúp các ngân hàng mạnh dạn đổi mới mà không lo ngại khoảng trống luật pháp, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng trên môi trường số.
Hai là, phát triển hạ tầng công nghệ và hệ sinh thái số: Các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, linh hoạt và an toàn, phục vụ tốt cho việc cung ứng sản phẩm số. Cùng với đó, tăng cường tích hợp, kết nối với hạ tầng của các bộ, ngành và địa phương (thuế, hải quan, dân cư…) để cung ứng dịch vụ ngân hàng số một cách xuyên suốt, tiện lợi cho người dân. Một nhiệm vụ quan trọng là phối hợp đẩy nhanh triển khai Đề án 06 của Chính phủ (ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chíp…) vào dịch vụ ngân hàng, qua đó đơn giản hóa thủ tục, định danh khách hàng một lần dùng chung cho nhiều dịch vụ. Hạ tầng kỹ thuật vững chắc và hệ sinh thái số rộng khắp sẽ là bệ phóng cho các sáng kiến ngân hàng số mới.
Ba là, đơn giản hóa quy trình, lấy khách hàng làm trọng tâm: Các ngân hàng nên đơn giản hóa và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ hiện tại trước khi số hóa, đảm bảo loại bỏ thủ tục rườm rà và chuẩn hóa dữ liệu. Cần đặc biệt chú trọng nâng cao trải nghiệm người dùng trên kênh số: Giao diện ứng dụng thân thiện, dịch vụ cá nhân hóa, giao dịch nhanh gọn nhưng vẫn an toàn. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số phải gắn liền với mục tiêu phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng ở từng phân khúc. Ngoài ra, các ngân hàng nên đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu công nghệ mới (AI, blockchain, điện toán đám mây…) để áp dụng sáng tạo vào hoạt động ngân hàng Việt Nam.
Bốn là, tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức khách hàng: Giải pháp quan trọng tiếp theo là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ngân hàng số tới công chúng. Ngành Ngân hàng cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức đoàn thể để giáo dục kiến thức tài chính số cho người dân, nhất là ở vùng xa. Tập trung và hướng dẫn sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả, cũng như kỹ năng tự bảo vệ trước rủi ro trực tuyến tránh để xảy ra các vụ việc lừa đảo, vi phạm.
Năm là, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao: Cuối cùng các ngân hàng cần chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Cần xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao về công nghệ số cho đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chủ chốt, giúp họ nắm bắt kịp thời tiến bộ khoa học công nghệ và định hướng được chiến lược số của ngân hàng. Song song, đào tạo kiến thức và kỹ năng số cho toàn thể cán bộ nhân viên, từ cơ bản đến chuyên sâu, thông qua các khóa học nội bộ, chương trình cử nhân/thạc sĩ Fintech, trí tuệ nhân tạo (AI)... Việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ để đào tạo theo nhu cầu thực tiễn là hướng đi cần đẩy mạnh. Một lực lượng nhân sự am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng lẫn công nghệ số sẽ là yếu tố quyết định bảo đảm thành công.
Để chuyển đổi số thành công, ngành Ngân hàng cần thực hiện đồng bộ và có lộ trình ưu tiên rõ ràng, với các ngân hàng lớn tiên phong thử nghiệm, dẫn dắt và các ngân hàng nhỏ triển khai phù hợp theo sau. Đây không chỉ là bài toán công nghệ mà còn là cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi đặt khách hàng làm trung tâm, coi dữ liệu và công nghệ là động lực, và nhân sự là tài sản quý giá. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng cùng định hướng, hỗ trợ từ Nhà nước sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng, thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Tài liệu tham khảo
MB (2025). Chiến lược phát triển đội ngũ chuyên gia an ninh mạng và chuyên gia dữ liệu.
Nguyễn Anh Tuấn (2025). Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. https://tapchinganhang.gov.vn/nang-cao-nang-luc-doi-moi-sang-tao-tai-cac-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-15885.html
NHNH (2025). Báo cáo phiên họp lần thứ nhất ban chỉ đạo và tổ giúp việc của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
PV (2025). Kỳ vọng ngành Ngân hàng tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. https://www.div.gov.vn/ky-vong-nganh-ngan-hang-tien-phong-thuc-day-chuyen-doi-so-quoc-gia
Vietcombank (2025). Vietcombank tiên phong phổ cập chuyển đổi số đến từng khách hàng. Đào tạo người dùng số trong thời đại mới.
VD